Với nhiều doanh nghiệp, việc có được một diện tích khiêm tốn để sản xuất kinh doanh tại Hà Nội là điều mơ ước. Thế nhưng, với Công ty Thương mại và đầu tư phát triển Hà Nội, việc được giao quản lý sử dụng 26ha giữa quận Hai Bà Trưng thật chẳng ý nghĩa gì.
Vị GĐ của Công ty đã dùng nhà, đất công để cho thuê, liên kết, giao khoán với giá rẻ khó tưởng tượng.
Kỳ II: Cho thuê giá rẻ như bèo!
Một mét vuông nhà, giá thuê 1 tháng = 1 bát phở!
Mặt bằng cho thuê để kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí luôn đắt như tôm tươi tại Hà Nội. Thế nhưng nó lại cực rẻ tại công viên Tuổi Trẻ.
Xin nêu vài ví dụ: Ngày 25/11/2005, ông Đinh Văn Khoan, GĐ Công ty ký hợp đồng cho thuê nhà kính rộng 420m2 với Công ty Cổ phần Văn hóa thể thao Hà Nội do ông Phạm Triều Văn làm GĐ với giá 10 triệu đồng/tháng để dùng làm “Câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển”.
Thời hạn thuê là 4 năm. Với mức giá như vậy, tính ra mỗi mét vuông nhà được cho thuê với giá 23.000đồng/tháng, tương đương giá một bát phở loại khá. Thấp hơn giá thị trường khoảng 10 lần (?).
Ngày 28/12/2006, ông Đinh Văn Khoan tiếp tục ký hợp đồng cho thuê 420m2 nhà kính với Công ty Du lịch và thương mại Thần Châu thời hạn 3 năm. Mục đích sử dụng để kinh doanh nhà hàng hoặc nhà kho.
Giá cho thuê tại hợp đồng này là 20 triệu đồng/tháng, mức giá thấp một cách ngạc nhiên.
Không có trong quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng Nhà
hàng Tuổi trẻ vẫn mọc lên trong công viên Tuổi Trẻ.
Đặc biệt, GĐ Công ty còn cho thuê nhà hàng Tuổi trẻ diện tích 270m2 nằm mặt đường Võ Thị Sáu giá chỉ 10 triệu đồng/tháng.
Có nghĩa là mỗi mét vuông nhà hàng được cho thuê với giá 37.000 đồng/tháng.
Không chỉ cho thuê nhà rẻ, ngay cả việc cho thuê các sân tennis của Công ty cũng được ông Đinh Văn Khoan cho thuê với giá rẻ. Các bản hợp đồng này còn luôn giành phần thiệt thòi về cho Công ty.
Ví như, ngày 16/2/2006, ông Đinh Văn Khoan ký 2 hợp đồng không số cho thuê sân tennis với bà Ninh Thị Thanh (mỗi hợp đồng thuê 2 sân), thời hạn là 2 năm. Tại hợp đồng thứ nhất, giá thuê sân là 6 triệu đồng/tháng, thời gian từ ngày 1/10/2006 đến 1/10/2008.
Hợp đồng thứ 2 cũng có giá thuê tương tự, nhưng có thêm phần vệ sinh 12 triệu đồng/2 năm, thời gian thuê từ ngày 1/12/2006 đến 1/12/2008. Điều kỳ lạ ở cả 2 hợp đồng là, ngay sau ký hợp đồng bên B trả ngay tiền thuê sân năm thứ nhất cho bên A.
Đáp lại bên A trả lãi số tiền này với lãi suất 1,5%/tháng kể từ ngày ký hợp đồng đến ngày thực hiện hợp đồng (ngày 1/10/2006 và ngày 1/12/2006). Đặc biệt, ngày 1/11/2006, bên B nộp tiền cho bên A lần 2. Và lần này bên A cũng chấp nhận trả lãi 1,5%/tháng (cho 24 tháng của 2 hợp đồng).
Như vậy 4 sân tennis được cho thuê với giá 588 triệu đồng/2 năm nhưng thực chất Công ty TM&ĐTPTHN chỉ nhận được khoảng 410 triệu đồng. Có nghĩa là mỗi sân tennis rộng 300-400m2 được xây dựng để cho thuê với giá chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/tháng.
Số tiền 178 triệu đồng kia, bên A trả lại bên B dưới hình thức “ trả lãi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Công viên Tuổi Trẻ hiện có khoảng 11 hợp đồng cho thuê nhà, sân...với 7 đối tác.
Công ty bố “liên doanh” với Công ty con Cũng như các hợp đồng cho thuê mặt bằng, các hợp đồng liên doanh liên kết giữa nguyên GĐ Đinh Văn Khoan với các đối tác cũng có nhiều dấu hiệu khuất tất.
Thời gian qua, Công ty ký 4 hợp đồng liên doanh liên kết. Cụ thể: hợp đồng liên doanh đầu tư số 1 ngày 13/3/2004 giữa Cty với ông Đoàn Kỳ Hải (cán bộ của Công ty đại diện cho những người tham gia góp vốn) về việc “Hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác khu trò chơi trượt nước và các trò chơi giải trí tại công viên Tuổi Trẻ” thời gian 25 năm.
Thế nhưng, tại hợp đồng “liên doanh” này ghi Công ty góp 35%, đối tác 65% vốn nhưng hợp đồng chẳng hề nêu số vốn liên doanh cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy, hợp đồng không có cơ sở để tính toán hiệu quả và thời gian hoàn vốn.
Hợp đồng liên doanh số 2 ngày 6/7/2005 giữa Công ty với ông Phạm Bá Tiến (cán bộ Công ty) với nội dung “Hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác khu thể dục, thể thao tại công viên Tuổi Trẻ”, thời gian 25 năm.
Theo đó, bên B đã ký nhận khoán với Công ty với mức 250 triệu đồng/mùa bơi. Có điều lạ, việc bán vé bể bơi không báo cáo với Cục Thuế. Rồi hợp đồng xây dựng sân tennis không có trong quy hoạch.
Hai bản hợp đồng liên doanh số 1 và 2 đều ký với các đối tượng không phải là pháp nhân hay cá nhân có đăng ký kinh doanh là sai với quy định.
Đặc biệt, ngày 4/1/2006, GĐ Công ty đã có QĐ thành lập CLB thể thao bơi lội do ông Phạm Bá Tiến phụ trách và “khoán” cho CLB này khai thác nhiều hạng mục như nhà hàng, sân tennis, bể bơi, bể vầy với giá 750 triệu đồng/ năm (5 năm đầu) mà không tổ chức đấu thầu...
Trong số các hợp đồng liên doanh phải kể đến hợp đồng số 3 ngày 16/2/2006 giữa Công ty với Công ty TNHH Hương Thắng (Hải Phòng) với nội dung: “Hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh cụm công trình nhà hàng đặc sản ven hồ - CLB tập golf và nhà dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí tại Công viên Tuổi Trẻ”, thời gian 20 năm.
Theo giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở KHĐT Hải Phòng cấp thì Công ty TNHH Hương Thắng có vốn điều lệ 3 tỷ đồng và do hai thành viên góp vốn là: Trương Khắc Viết (Hải Phòng) góp 1,5 tỷ đồng và Đinh Thế Hùng (Hà Nội) góp 1,5 tỷ đồng.
Ông Đinh Thế Hùng, chính là con trai GĐ Đinh Văn Khoan và ông Hùng hiện đang là Giám đốc CLB tập golf và dịch vụ ăn uống phục vụ vui chơi giải trí trực thuộc Công ty Thương mại đầu tư phát triển Hà Nội...
Có thể thấy hầu hết hợp đồng cho thuê mặt bằng, thuê nhà, sân tennis và các hợp đồng liên doanh của Công ty thương mại đầu tư phát triển Hà Nội thời gian qua đều có dấu hiệu khuất tất, sai phạm, và dấu hiệu biển thủ công quỹ. Không biết, những sai phạm này còn được “gói kín” đến bao giờ?
>Công viên Tuổi Trẻ bị “băm nát”.
Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: