Top

Bỏ cơ chế chủ đầu tư thỏa thuận với dân: Giá nhà, đất sẽ giảm

Cập nhật 02/04/2008 10:00

Điều chủ đầu tư ngán ngại không phải là vốn mà là việc thương lượng mua đất của người dân.

Vừa qua, dư luận xôn xao trước sự kiện một chung cư cũ ở TP.HCM được mua lại với giá cực cao, cả trăm triệu đồng/m2. Nhiều người lo ngại việc mạnh ai nấy làm như vậy sẽ khiến người dân có tâm lý so bì, làm ảnh hưởng đến những dự án khác.

Hôm qua (1-4), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết trong tuần này Bộ sẽ trình Chính phủ các giải pháp để bình ổn thị trường bất động sản. Đáng lưu ý, một trong các giải pháp được Bộ đề xuất là bỏ cơ chế chủ đầu tư thỏa thuận với dân gây mất bình đẳng và khiếu kiện kéo dài. Chính quyền địa phương sẽ tự tổ chức giải phóng mặt bằng, đồng thời thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án.

Nhà nước làm thì quá tốt!

Giải pháp này được nhiều chủ đầu tư kinh doanh bất động sản ở TP.HCM ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết điều mà mọi chủ đầu tư đều ngán ngại khi đầu tư các dự án không phải là vốn mà là việc thương lượng mua đất của người dân.

Ông cho biết oải nhất là gặp những hộ đòi giá kiểu “phá bĩnh”, kiên quyết không đàm phán, hét giá trên trời khiến các chủ đầu tư không thể đáp ứng nổi. Vì vậy, nếu nhà nước làm công tác giải phóng mặt bằng từ A đến Z để có quỹ đất sạch rồi cho đấu thầu dự án để chọn chủ đầu tư thì doanh nghiệp rất mừng. “Thậm chí giá có chênh lệch 30%- 40% chúng tôi vẫn có thể chấp nhận để triển khai nhanh dự án” - ông Đực cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Trung Thủy, cũng nhận xét đây là một giải pháp hay. Lâu nay, do giao cho doanh nghiệp tự thương lượng, thỏa thuận về giá bồi thường nên doanh nghiệp hay gặp trở ngại, làm mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Dự án triển khai chậm khiến giá thành sản phẩm cũng phải tăng lên để bù đắp khoảng thời gian bị cù cưa này. Theo ông Trung, chính sách này sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm BĐS, giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Về phía người có đất thì có thể giá cả sẽ không được như ý, “nhưng khi giá hợp lý, vừa phải thì nhà nước cũng phải cứng rắn” - ông Trung nói.

Phải một giá bồi thường

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết mấu chốt đầu tiên phải giải quyết khi nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng tất cả các dự án là giá bồi thường mà nhà nước sẽ áp dụng. Giá này có sát giá thị trường, có tính đến ưu thế về vị trí, địa điểm của dự án hay không... Nếu không tính đến những điều này thì nhà nước cũng rất khó giải phóng mặt bằng. Do đó, theo ông Hiệp, đi kèm với chính sách này là phải chuyên nghiệp hóa ngành nghề thẩm định giá một cách bài bản, khoa học. Khi đó, vai trò của doanh nghiệp thẩm định giá sẽ rất quan trọng trong việc tìm được sự đồng thuận giữa hai bên.

Ông Hiệp cũng chỉ ra một số bất cập khác khi chỉ còn một cơ chế nhà nước giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn, nhà đầu tư đã có sẵn khu đất khá lớn rồi, nay chỉ cần bổ sung thêm vài trăm m2 cho khu đất vuông vức thì không lẽ lại phải nhờ nhà nước?

Nhận định giải pháp Bộ Xây dựng đề nghị là phương án tốt nhất, ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích để thực hiện được chính sách này thì quan trọng là giá bồi thường phải áp dụng thống nhất cho mọi dự án, không phân biệt dự án công ích hay kinh doanh. Giá này phải là giá thỏa thuận, không áp đặt, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Về khả năng thực hiện, ông Châu cho rằng nhà nước sẽ đủ sức, đủ vốn để làm vì thực ra đây chính là việc “lấy mỡ nó rán nó” mà thôi. “Điều hết sức quan trọng khi thực hiện chính sách này là sau khi nhà nước giải phóng mặt bằng thì phải cho đấu thầu công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả chủ đầu tư” - ông Châu nhấn mạnh.

Giao đất sạch để tránh so bì

Phát biểu với tư cách cá nhân, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), ông Trần Trọng Ninh, cho rằng giải pháp này không có gì mới vì Nghị định 84/2007 quy định nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế quan trọng, dự án khu dân cư, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp... Tuy nhiên, để thực hiện nhanh khâu giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư được tự thỏa thuận với người có đất.

Theo ông Ninh, chính quyền sẽ đứng ra bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng hoặc tổ chức phát triển quỹ đất (theo Luật Đất đai). Nếu dự án đã có chủ đầu tư thì chủ đầu tư bỏ tiền ra bồi thường, nếu chưa có thì nhà nước bỏ tiền ra làm rồi đấu thầu chọn chủ đầu tư. Việc đấu thầu sẽ xét trên các yếu tố năng lực, vốn, thời gian hoàn thành và giá.

“Chủ trương là giao đất sạch để tránh khiếu kiện, so bì. Vấn đề là các địa phương có chịu thực hiện hay không” - ông Ninh nói.


Theo Pháp Luật TP.HCM