Hiện nay có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về quy hoạch ga Hoà Hưng, Bình Triệu. Ý kiến nào cũng đem lý do kẹt xe ra doạ...
Cuối năm 2007, thủ tướng chính phủ có văn bản đồng ý nguyên tắc việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc theo kiến nghị của TP.HCM, dời ga Hoà Hưng, ga Bình Triệu (TP.HCM) về ga Dĩ An (Bình Dương). Nhưng mới đây, bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị giữ nguyên như hiện nay.
Dời để đỡ kẹt xe, bớt ô nhiễm
Đoạn đường sắt Bình Triệu - ga Sài Gòn dài khoảng 9,5km giao cắt với đường bộ tại 14 điểm đã tạo nên ùn tắc giao thông do phải chắn đường mỗi khi tàu chạy, nhất là giờ cao điểm.
Đây là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm nạn kẹt xe, tai nạn giao thông. Ngoài ra, đầu máy, toa tàu thuộc hàng “lão” nên gây nhiều tiếng ồn, độ rung khi chạy. Trên tàu cũng không có hệ thống xử lý chất thải nên chất thải được xả trực tiếp xuống đường ray…
Do đó, UBND thành phố kiến nghị bỏ tuyến đường sắt quốc gia đi qua nội đô thành phố, bỏ toàn bộ tuyến đường sắt Bình Triệu - Hoà Hưng - đường Ba Tháng Hai - quận 6. Ga Hoà Hưng (quận 3) và ga Bình Triệu (quận Thủ Đức) dời về ga Dĩ An.
Các đoạn đường sắt hiện hữu, thành phố sẽ nghiên cứu, sử dụng làm monorail để tăng cường năng lực giao thông nội thị. Tại buổi làm việc với sở Giao thông công chính trong tháng 2.2008, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cũng đồng tình với ý kiến trên.
Giữ thành ga trung tâm
Tuy nhiên, mới đây bộ Giao thông vận tải lại kiến nghị giữ nguyên ga Hoà Hưng và Bình Triệu vì đoạn Hoà Hưng - Bình Triệu là tuyến duy nhất đưa khách đường dài vào trung tâm. Về lâu dài, ga Hòa Hưng sẽ là ga trung tâm đường sắt liên tỉnh và tàu nội - ngoại ô, nên cần được giữ nguyên. Nếu dời về Dĩ An và thay thế chức năng đường sắt liên tỉnh bằng đường sắt đô thị (monorail) trên đoạn Dĩ An - Hoà Hưng sẽ làm mất chức năng liên vùng của tuyến đường sắt quốc gia.
Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch hội Cầu đường cảng thành phố cũng cho rằng, trong quy hoạch giao thông, mạng lưới giao thông kết nối từ ga Dĩ An vào vùng trung tâm chỉ là đường bộ, không có metro. Khi dời ga Hoà Hưng về Dĩ An, khách đi tàu sẽ dừng ở Dĩ An, muốn vào thành phố phải theo đường vòng, nếu không đi vòng thì phải mở đường mới.
Khi đó, để trung chuyển hành khách cần 1.500 xe buýt, chạy liên tục. Bất lợi phát sinh là dù có xây mới đường rộng như xa lộ Hà Nội hiện hữu vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Còn nếu xây dựng monorail để trung chuyển, theo ông Trường vẫn khó giải quyết được việc trung chuyển khách từ ga vào trung tâm và ngược lại vì một chuyến monorail cũng chỉ gấp ba lần một xe buýt.
Khi đó, thời gian đi lại của hành khách sẽ bị kéo dài thêm rất nhiều, sẽ không đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, tiện lợi. Chưa kể, việc xe buýt, các loại xe khác chuyên chở khách đến và đi tạo thêm áp lực cho giao thông, làm căng thẳng thêm tình trạng kẹt xe.
Về lo ngại kẹt xe nếu giữ nguyên ga Hoà Hưng và Bình Triệu, bộ giải quyết bằng việc xây dựng đoạn Bình Triệu - Hoà Hưng đi ngầm hoặc trên cao. Toàn bộ vùng đất dọc tuyến phía dưới sẽ sử dụng phục vụ đô thị.
Ban đầu, ga Sài Gòn ở công viên 23.9, cạnh chợ Bến Thành (quận 1). Năm 1978, ga Sài Gòn được dời về ga Bình Triệu và tu sửa ga hàng hoá ở Hoà Hưng thành ga khách Sài Gòn. Tháng 11.1983, ga Sài Gòn (phường 9, quận 3) chính thức hoạt động, khai thác với diện tích 40.000m2.
Trước 1975, ga Sóng Thần (huyện Dĩ An, Bình Dương) là một trạm đường sắt nhỏ. Hiện nay, ga Sóng Thần là một trong năm ga hàng hoá loại I của đường sắt Việt Nam. Theo chiến lược phát triển đường sắt, ga Sóng Thần sẽ nối mạng với tuyến đường sắt xuyên Á. (Theo tổng công ty Đường sắt Việt Nam)
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: