Top

Đi tìm “cái duyên đô thị…”

Cập nhật 18/04/2008 16:00

Những con đường khô khốc, nhiều vòng xoay không có lấy một chậu hoa, các con lươn ngăn cách mọc đầy cỏ dại; mặt tiền nhà phố thi nhau “làm xấu” bằng vô vàn bảng hiệu lộn xộn; không ít dạ cầu nhếch nhác hoặc có trang trí nhưng đơn điệu… Văn minh đô thị bị hoen ố bởi những hình ảnh đó. Trang trí đô thị đẹp cũng là một cách xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Vậy phải làm gì?

Trang trí đô thị: Thiếu “cái duyên”

Nếu như kiến trúc của đô thị làm người ta ấn tượng hay thán phục, thì trang trí đô thị tạo cho người ta nhớ đến thành phố đó. Trang trí ở TPHCM bị đánh giá là thiếu “cái duyên”.

TPHCM đã từng mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” thế nhưng vị thế đó đã bị đánh mất. Sự phát triển của dân cư, xây dựng “vô lối” đã làm nhiều con đường, góc phố biến dạng hoặc mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.

KTS Nguyễn An Lộc, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cho rằng: “Hiện TPHCM có 13 quận nội thành (bao gồm khu trung tâm) nhưng cách trang trí (tượng đài, hồ nước, hoa, cỏ, vật sắp đặt…) chưa được bắt mắt, đơn điệu và “nghèo”. TPHCM cũng thiếu hẳn những quảng trường rộng, đẹp. Khi diễn ra một sự kiện thì người dân tập hợp ra khu trung tâm nên xảy ra quá tải, ách tắc.

Do “văn hóa mặt tiền” nên người ta đua nhau tràn ra, lấn chiếm lề đường dành cho người đi bộ, làm cho cảnh quan đô thị thêm xô bồ.

PGS.TS Xã hội học Nguyễn Minh Hòa nêu ý kiến: Nhìn dưới góc độ xã hội học thì việc trang trí đô thị mang tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao ở TPHCM chưa đạt. Hiện TP xuất hiện rất nhiều khu phố văn hóa, và mỗi con hẻm đều có cổng sắt đề “Khu phố văn hóa” rất thô cứng và nặng tính hành chính, giống cổng chào của cơ quan công quyền.

Trong khi đó, nếu biết cách và chịu khó nghiên cứu có thể không cần tốn nhiều tiền nhưng vẫn đẹp. Ví dụ, với số tiền để làm cổng sắt đó có thể làm một cái cổng xi măng, mái ngói, mô phỏng một cổng làng mềm mại, bên dưới gắn bảng đồng nhỏ đề: “Khu phố văn hóa” là đẹp, hài hòa.

Bên cạnh đó, TPHCM bị xem là “thành phố khô”. Đô thị đẹp phải bao phủ nhiều mảng xanh. Người ngoài sẽ đánh giá được chất lượng cuộc sống của cư dân một đô thị qua mảng cây xanh.

Theo Công ty Công viên cây xanh TPHCM, diện tích cây xanh trên đầu người tại TPHCM hiện nay chỉ đạt khoảng 1,7m2/người. Trong khi đó, theo quy định tối thiểu phải đạt 12m2/người. Nhiều con đường không có cây xanh nên rất khô khốc.

Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh thừa nhận rằng do trước đây chưa có điều kiện nên nhiều con đường trồng cây tạp, không đồng nhất nên chưa tạo được ấn tượng.

Lợi thế của TPHCM là có nhiều sông, kênh, rạch. Đây là đặc trưng riêng. Biết bao người mơ ước khi nào những con đường đôi bờ kinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được làm sạch đẹp, nước kinh trong sạch để du ngoạn, hưởng thụ không khí trong lành? TPHCM cũng rất thiếu những cây cầu đẹp. Có lắm cây cầu xây lên thì dạ cầu nhếch nhác, tệ nạn… “Mình không biết điểm tô những dạ cầu.

Trong khi những cây cầu đều bắc qua sông, kênh, rạch vốn đã có cảnh quan đẹp, chỉ cần trang điểm thêm sẽ bớt “khô” và sẽ tạo được những điểm nhấn cho cảnh quan đô thị”, một KTS nói.

Bài học gần: Phú Mỹ Hưng!

Diện mạo đô thị TPHCM, nhất là những quận nội thành không thể đem so sánh với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, bởi nó có tính lịch sử và chiều sâu văn hóa. Tuy nhiên, bài học ở đây là sự quy hoạch - ít ra là sự đồng bộ trong kiến trúc và cảnh quan.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng có cao ốc, có nhà phố, chung cư, biệt thự nhưng thật hài hòa, thật đẹp. Điều này những khu đô thị mới ở các quận mới tách đã không làm được. Người dân sẵn sàng bỏ tiền cao ngất để đến ở Phú Mỹ Hưng vì họ “mua” được sự an ninh, sạch đẹp và tiện nghi.

TS Đào Trọng Chí, đưa ý kiến: “Một đô thị phát triển, hiện đại đâu nhất thiết phải cứ xây dựng nhiều cao ốc, nhà cao tầng. Điều quan trọng là chất lượng cuộc sống ở đô thị đó như thế nào. Ví dụ như Paris (Pháp). Paris đã từng mắc sai lầm nhưng họ đã sớm nhận ra, là trong thập niên 70, Paris xuất hiện một số tòa nhà cao tầng hình khối đến độ người dân Paris đã thốt lên: “Con quỷ gớm” giữa Paris”.

Tham khảo ý kiến của các chuyên gia xã hội học, văn hóa, quy hoạch đô thị, hầu như họ đều có cùng quan điểm: Phát triển ở khu mới và cũ cần phải có sự đồng bộ và cân đối với nhau. Diện mạo đô thị TPHCM có “rối” nhưng vẫn còn nhiều hướng giải quyết tốt chứ không phải “bế tắc”.

Ví dụ như Q.1, 3, 5… còn lưu dấu nhiều di tích kiến trúc của Sài Gòn xưa; trung tâm thành phố tập trung nhiều công viên (hơn 20 công viên) cũng dễ tạo ra nhiều cảnh quan đẹp, “cái duyên” cho đô thị với điều kiện sự phát triển nhà dân hay công sở xây mới phải tuân thủ và được quản lý nghiêm ngặt về quy định kiến trúc đô thị.

Mặt khác, theo KTS Nguyễn Trung Chính, Giám đốc Công ty Thiết kế xây dựng NTC Group thì riêng mảng cây xanh nên khuyến khích và hướng dẫn người dân ưu tiên trồng loại cây nào, mua ở đâu, chăm sóc ra sao?… Những khu phố nào người dân ý thức, tôn tạo được mảng xanh thì mát, đẹp, không khí trong lành mà chính họ được thụ hưởng và góp phần làm đẹp cho diện mạo đô thị.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trong điều chỉnh quy hoạch TPHCM đến năm 2025 sẽ xây dựng TPHCM thành một thành phố hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này có làm được hay không là một chuyện nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tầm nhìn và sự quyết tâm của những người có trách nhiệm.

KTS Nguyễn Trung Chính - Giám đốc Công ty thiết kế xây dựng NTC Group cho rằng, nên tận dụng vật liệu rẻ tiền để trang trí nhưng vẫn đẹp. Nhiều công viên, vỉa hè người ta xây dựng tốn kém nhưng không đẹp. Đôi khi chỉ cần thảm cỏ rẻ tiền, thiết kế khéo vẫn đẹp. “Ta hô hào về tính dân tộc nhưng lại đem dân tộc của người khác vào. Nhiều loại cây đâu phải là “đặc sản” của Việt Nam nhưng cũng đem về trồng. Trong khi đó tre, chuối, sen, súng… thấm đẫm hồn quê vừa rẻ tiền mà lại rất riêng của địa phương… Quan trọng là chúng ta biết cách thực hiện và chăm sóc”.


Theo Sài Gòn Giải Phóng