Mặc dù thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô (cũ), nhưng cho đến ngày 10/8, các chủ đầu tư mới tổ chức được 18 phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại 17 dự án, với quy mô 3,1 ha đất.
Theo đó, tổng số tiền tính theo giá trúng cũng chỉ đạt 31% kế hoạch năm (tương đương 686 tỷ đồng).
Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả đấu giá đất còn chậm, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, do thị trường bất động sản trong thời gian qua có dấu hiệu chững lại; số lượng người tham gia đấu giá không nhiều khiến giá trúng đấu giá ở mức độ vừa phải, không cao.
Thậm chí, tại một số dự án, giá nhà đất giảm xuống chỉ còn khoảng 2/3 so với năm ngoái. Hầu hết các nhà đầu tư đang trong giai đoạn nghe ngóng, thận trọng chờ đợi những biến động mới nhất của thị trường. Thêm vào đó, tình hình tài chính hiện đang khó khăn cũng hạn chế lượng người đổ tiền vào đấu giá nhà đất.
Cũng theo phản ánh của Sở Tài nguyên và Môi trường, 6 tháng đầu năm, các dự án chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ... nên không đủ điều kiện để đưa đất ra đấu giá.
Đơn cử, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Nam Trung Yên (do Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư) hiện đang vướng giải phóng mặt bằng do phải di chuyển mồ mả ở khu C9.
Theo chủ đầu tư, phải hết quý IV/2008, dự án mới có thể hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; trong khi đó, Công ty Điện lực Hà Nội mới đầu tư 4/15 trạm biến áp theo quy hoạch…
Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các khu đất là do giá vật liệu xây dựng những tháng đầu năm tăng cao nên phần lớn chủ đầu tư vừa triển khai thực hiện, vừa có tâm lý chờ đợi, vì sợ càng làm càng lỗ!...
“Nợ đọng” đấu giá nhiều?
Một trong những khó khăn nữa trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố hiện nay là khâu thu tiền sau khi khách hàng trúng đấu giá.
Bởi theo thống kê của Sở Tài chính, chỉ tính trong gần một năm nay, số tiền nợ tiếp tục phải thu phát sinh trên 500 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn nhà đầu tư chưa thanh toán hơn 350 tỷ đồng.
Các chủ đầu tư cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do hạ tầng kỹ thuật của các dự án chưa hoàn chỉnh; một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên không thể giao đất cho khách hàng thì đa số các trường hợp chậm nộp tiền trúng giá không có nhu cầu xây dựng nhà ở đã cố tình dây dưa, kéo dài việc thanh toán để có thời gian tiến hành giao dịch, chuyển nhượng kiếm lời. Không ít đối tượng đã trót “găm hàng”, không đủ khả năng tài chính thanh toán nên phải chờ cơ hội ... “đẩy” đất ra mới có tiền nộp.
Trước những tồn tại, vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu các chủ đầu tư phải rà soát ngay các dự án chậm trễ, làm rõ lý do và quy trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị, cá nhân liên quan. Sở Tài chính và các quận, huyện phải kiểm tra và tiến hành “đòi” nợ gắt gao; nếu phát hiện trường hợp nào cố tình chây ỳ, phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá và tổ chức đấu giá lại.
Thậm chí, nếu không giải quyết xong dứt điểm số nợ “đọng” trên, lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và dừng ngay các dự án đấu giá khác trên địa bàn.
Về nhận định khó có thể hoàn thành chỉ tiêu thu 2.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất trong năm nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu các quận, huyện phải tăng tốc ngay trong quý 3 này.
Song, thành phố không đấu giá đất bằng mọi cách mà phải ưu tiên cho mục tiêu xây dựng các khu nhà ở, khu đô thị văn minh, hiện đại; thực hiện theo đúng quy hoạch sau khi cân nhắc kỹ các công trình hạ tầng xã hội.
Thành phố cũng xem xét chủ trương đấu giá cả lô đất lớn để hình thành những “tiểu” khu đô thị, còn những vị trí đã làm xong hạ tầng, giao thông thuận tiện vẫn tiếp tục đấu giá theo thửa lẻ để người dân có cơ hội tiếp cận.
Thành phố kiên quyết không giải quyết các trường hợp còn dang dở hạ tầng nhưng vẫn muốn nộp tiền để được cấp “sổ đỏ”, bởi như vậy rất dễ phát sinh tình trạng xé lẻ đất để chuyển nhượng bừa bãi và chủ đầu tư sẽ không có trách nhiệm với người mua đất sau cùng.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, các phiên đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội mở rộng sẽ sôi động, thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư tham gia trong quý 3, 4/2008.
Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: