Top

Greensburg - thành phố xanh

Cập nhật 03/12/2008 13:55

Greensburg có thể tự hào đang trở thành một thành phố sinh thái đúng nghĩa, một mô hình “đô thị xanh” kiểu mẫu đầu tiên của nước Mỹ.

“Khởi đầu lại từ con số 0 vừa là một dịp may mà cũng vừa là một thách thức. Trong bối cảnh này, chúng tôi có cơ hội xem xét lại tất cả, từ quy hoạch tổng thể đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Thách thức lớn nhất, đó là thời gian, bởi người dân nơi đây đã quá chán ngán cảnh phải nương náu trong những ngôi nhà tạm bợ. Nhưng, nếu gấp gáp quá thì sẽ hỏng việc”, Steve Hewitt - ủy viên hội đồng thành phố Greensburg, đã phát biểu như vậy ngay trong một căn nhà nhỏ được dùng làm trụ sở tạm thời của chính quyền thành phố.

Ngày 4-5-2007, một cơn lốc xoáy cực mạnh đã quét qua TP nhỏ Greensburg thuộc bang Kansas, Mỹ, tàn phá 95% cơ sở hạ tầng tại đây. Hiển nhiên là phải bắt tay vào tái thiết, càng nhanh càng tốt. Hiển nhiên là phải xây dựng lại TP sao cho đẹp hơn, và bằng những quyết sách “thông minh hơn”, như lời của Steve Hewitt.

Bước ngoặt xanh

Với quyết định “tái thiết theo hướng bảo vệ môi trường”, Hội đồng TP đã nhanh chóng thông qua nhiều biện pháp khuyến khích xây dựng các công trình dân dụng và cơ quan chính quyền theo tiêu chuẩn LEED, một tiêu chuẩn được áp dụng tại Mỹ để đánh giá và xếp hạng những công trình xây dựng theo hướng sinh thái. Theo đó, TP quyết định cải tạo lại toàn bộ hệ thống cấp thoát nước và xây một trung tâm phát điện sử dụng động cơ gió. Steve Hewitt mỉm cười: “Gió sẽ là nguồn năng lượng chủ lực của vùng này”.

Tuy nhiên, làm sao để có thể triển khai những dự án “xanh” cho tương lai tốn rất nhiều tiền, mà Greensburg đang thiếu hụt, trong khi Cơ quan Ứng phó các tình huống khẩn cấp Liên bang Mỹ (Federal Emergency Management Agency- FEMA) chỉ hỗ trợ 75% kinh phí tái thiết các cơ quan hành chính? Tính trên trị giá trước khi xảy ra thiên tai, bang Kansas chỉ chi thêm 10%, và Greensburg phải lo 15% còn lại. Song, thị trưởng Bob Dixon vẫn lạc quan: “Chúng tôi luôn tin tưởng sẽ có các khoản đầu tư kinh phí cho các dự án sử dụng năng lượng mặt trời từ liên bang, và nhất là tin vào những doanh nghiệp tư nhân đang có ý định tham gia vào các dự án này”.

Về mặt kinh tế, kinh doanh trên những vùng đất cao và cằn cỗi luôn là mạo hiểm đối vối bất cứ doanh nghiệp nào. Song, đã có một “Sun Chips” - chuyên sản xuất chip điện tử có trụ sở tại California, một doanh nghiệp “xanh” với các nhà máy hoạt động bằng năng lượng mặt trời - đã đầu tư 1 triệu USD để xây dựng tại Greensburg một chi nhánh hỗ trợ doanh nghiệp nằm ngay giao lộ của hai con đường chính là US 54 và Main Street. Khu nhà mới này được xây theo tiêu chuẩn LEED ở cấp độ xếp hạng cao nhất là “bạch kim”.

Cái lợi lâu dài

Hơn một năm sau ngày Greensburg gặp thảm họa, TP này vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Người từ nơi khác đến đây sẽ khó mà tìm ra con đường Main Street nếu không nhìn thấy tấm biển báo được gắn sơ sài bên vệ đường. Đây là tuyến đường thương mại huyết mạch của Greensburg lúc trước, nay cũng chỉ mới có hai ngôi nhà được dựng lại. Một khó khăn khiến người dân còn lưỡng lự là vấn đề giá cả, vì xây nhà theo tiêu chuẩn “xanh” là khá đắt tiền, nhưng về lâu về dài, như lời ông thị trưởng, “Ngay trong tháng đầu tiên đưa vào sử dụng, các bạn sẽ tiết kiệm được từ 200 đến 300 USD cho các khoản điện, nước và sưởi ấm. Làm một phép tính, chúng ta sẽ thấy cái lợi ở đây là rất lớn”.

Các nhà sinh thái học cũng đồng ý với cách giải quyết từng bước theo hướng “thuyết phục người dân” của chính quyền Greensburg. Hai chuyên gia sáng lập tổ chức “Greensburg Greentown” là Catherine Hart và Daniel Wallach đã nhận trách nhiệm làm cầu nối thông tin giữa chính quyền và người dân địa phương về hướng “phát triển xanh” của TP. Bây giờ, rải rác đó đây khắp TP, đã có trên dưới 50 ngôi nhà mới, hoàn toàn theo tiêu chuẩn sinh thái, tuy ở những cấp độ khác nhau. Ngài thị trưởng Bob Dixon vui vẻ khoe: “Greensburg đang trở thành một nơi tiếp thị để thu hút đầu tư hiệu quả”. Và Greensburg, dù còn nhiều khó khăn, đã cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn.



TP Greensburg hoang tàn sau thiên tai.

 



Tổng thống Bush thị sát thành phố Greensburg sau thiên tai.

 

Truyền hình Mỹ bật tín hiệu “xanh”

Câu chuyện về TP Greensburg đã được đưa lên màn ảnh trong một bộ phim truyền hình nhiều tập do nhà sản xuất điện ảnh, diễn viên nổi tiếng Leonardo DiCaprio thực hiện. Bộ phim tài liệu này có tên Eco-Town đã được phát sóng lần đầu tiên vào tháng 6-2008 trên kênh Planet Green, một kênh mới thành lập của mạng truyền hình cáp “Discovery Home Chanel”, chuyên về chủ đề môi trường sinh thái. Những hình ảnh về một TP bị tàn phá nặng nề và công việc tái thiết khẩn trương để biến Greensburg thành một “đô thị thử nghiệm sinh thái” đã xuyên suốt 13 tập phim. Cũng tại Mỹ, từ ngày 4 đến 10-11-2008, kênh truyền hình NBC gây ấn tượng mạnh trong việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường với 150 giờ phát sóng chương trình “Green is universal”.
 

 

Người Đô Thị