Tiền sử dụng đất thường chiếm 10-15% giá trị nhà, đất nhưng khi nợ thì cả căn nhà bị "treo", không giao dịch được. Điều bất hợp lý này đã được UBND TP.HCM kiến nghị đến các bộ ngành liên quan xem xét để người dân được thế chấp giấy chứng nhận có ghi nợ tiền sử dụng đất.
Người dân bị thiệt thòi
Theo UBND TP, gần đây số lượng nhà, đất được cấp giấy chứng nhận ngày càng nhiều thì người có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất cũng tăng lên. Nhưng theo qui định, khi nào người dân trả xong tiền sử dụng đất mới được thực hiện các quyền giao dịch, trong đó có việc thế chấp nhà, đất. UBND TP cho rằng hình thức chế tài này làm vô hiệu luôn các quyền khác của người dân đối với phần giá trị nhà đất mà họ đã tạo lập khi chưa cấp giấy chứng nhận.
Cũng theo UBND TP, qua giải quyết ghi nợ tiền sử dụng đất cho thấy khoản tiền mà người dân được ghi nợ chiếm chưa đến phân nửa giá trị nhà, đất. TP đề nghị cho người dân được thế chấp phần giá trị còn lại của nhà, đất. Khi nhận thế chấp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ cân đối giữa tổng giá trị nhà, đất và số tiền ghi nợ để tự xác định mức cho vay. Với cách làm này sẽ góp phần đẩy mạnh giao dịch nhà, đất hợp pháp.
Nên sửa theo hướng có lợi cho dân
Theo qui định trước đây, người ghi nợ tiền sử dụng đất khi trả nợ được tính theo giá đất tại thời điểm ghi nợ. Căn cứ vào bảng giá đất qui định, các cơ quan chức năng cũng tính và ghi luôn số tiền nợ lên giấy chứng nhận. Ví dụ tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất mà người dân phải nộp là 20 triệu đồng thì dù năm hay mười năm sau trả nợ người dân vẫn được trả theo số tiền này. Nhưng nay thực hiện theo qui định mới, người dân phải trả theo giá đất ở thời điểm trả nợ. Ví dụ thời điểm cấp giấy chứng nhận giá đất để tính tiền sử dụng đất là 8 triệu đồng/m2 nhưng khi trả nợ bảng giá đất qui định tăng lên 10 triệu đồng/m2 thì phải tính theo mức giá tăng lên này, cho nên số tiền nợ không ghi cụ thể.
Cán bộ thuế một quận cho rằng với qui định trước đây thì khi thế chấp, cơ quan nhận thế chấp chỉ cần căn cứ vào số tiền nợ trên giấy chứng nhận, xác định phần giá trị còn lại của nhà, đất để cho vay. Với qui định hiện nay, khi thế chấp cơ quan chức năng phải làm thêm một bước nữa là xác định số tiền sử dụng đất mà người dân đang nợ. Đó là chưa kể cách áp dụng hiện nay không có lợi cho người dân. "Đã nghèo lại càng thêm khổ nếu thời điểm trả nợ mà giá đất tăng" - cán bộ này nói và kiến nghị cơ quan chức năng nên sửa qui định theo hướng có lợi cho người dân như đã áp dụng trước đây.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: