Top

Công viên Tuổi Trẻ bị băm nát: Đề nghị công an sớm xử lý

Cập nhật 05/04/2008 10:00

Ông Phạm Đức Hùng - TGĐ Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đề nghị như vậy khi trao đổi với phóng viên xung quanh việc Công viên Tuổi bị “băm nát”.

Sau khi đăng loạt bài liên quan đến sai phạm trong quản lý sử dụng đất, xây dựng công trình không phép, làm ăn thua lỗ của Công ty TM& ĐTPT Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội), Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Hùng - về vấn đề này.

* Thưa ông, đến nay Tổng Công ty đã có đánh giá như thế nào về sai phạm tại Công ty TM&ĐTPT Hà Nội?

Trước khi Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra tại Công ty TM&ĐTPT Hà Nội, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty này và phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật như: Công ty đã buông lỏng công tác quản lý tài chính, vi phạm nghiêm trọng trong huy động vốn và đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý doanh thu, quản lý chi phí dẫn đến công nợ không có khả năng thu hồi hàng chục tỷ đồng.

Đến tháng 6/2006, Công ty nợ trên 58 tỷ đồng, hoàn toàn mất khả năng thanh toán và rủi ro tài chính rất lớn, vốn chủ sở hữu hiện là âm 31 tỷ đồng.

* Và đến nay Tổng Công ty vẫn chưa có biện pháp quyết liệt nào xử lý các sai phạm tại Công ty theo kết luận Thanh tra nhà nước thành phố?

Căn cứ chỉ đạo của thành phố cũng như kết luận thanh tra, tháng 5/2007 Tổng Công ty đã có quyết định miễn nhiệm chức GĐ Công ty, quyết định thôi giữ chức GĐ Ban Quản lý dự án công viên Tuổi Trẻ đối với ông Khoan và miễn nhiệm chức trưởng phòng kế toán đối với bà Vũ Thuý Hải. Tổng Công ty cũng đã bổ nhiệm một đồng chí về làm GĐ Công ty TM&ĐTPT Hà Nội nhằm ổn định tình hình.

* Hiện nhiều công trình sai phạm tại công viên Thủ Lệ đã bị cưỡng chế phá dỡ, dư luận đang đòi hỏi những sai phạm tại công viên Tuổi Trẻ cũng phải bị xử lý?

Hiện tại công viên Tuổi Trẻ có 19 hạng mục công trình không có trong quy hoạch 1/500, xây dựng không giấy phép, không thiết kế, không tuân thủ trình tự đầu tư. Đối với số công trình này, chúng tôi kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép dỡ bỏ. Kinh phí tháo dỡ do người ký quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm (nguyên GĐ Đinh Văn Khoan-PV).

Đối với một số công trình nếu phù hợp quy hoạch sẽ xin ý kiến thành phố cho phép Công ty xem xét lại toàn bộ các hợp đồng đã ký kết để có thể ký lại hợp đồng tạo nguồn thu trước mắt.

* Vậy còn khoản nợ hàng chục tỷ đồng của Công ty TM& ĐTPT Hà Nội sẽ được giải quyết theo hướng nào?

Các khoản nợ của Công ty trong đó nhiều khoản nợ do GĐ Công ty ký vay nợ, ký liên doanh với CBCNV Công ty, thậm chí cả với vợ, con GĐ...

Theo quy định của luật pháp thì việc kinh doanh không hiệu quả, làm thất thoát vốn của nhà nước cũng như vốn ngân hàng, vay huy động của các đối tượng khác không tuân thủ các quy định về quản lý tài chính dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán... thì trách nhiệm thuộc người đại diện chủ sở hữu là nguyên GĐ Đinh Văn Khoan và những người liên quan.

Hiện tại, theo chỉ đạo của UBNDTP Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP đang tiến hành điều tra làm rõ những sai phạm tại Công ty TM& ĐTPT Hà Nội. Tổng Công ty đề nghị cơ quan công an sớm có kết luận và xử lý sai phạm theo đúng quy định của luật pháp.

* Xin cảm ơn ông.

19 hạng mục sai phạm đề nghị phá dỡ

Đường nội bộ tự làm; 10 sân tennis; nhà 7 gian (góc đường Võ Thị Sáu); Nhà đa năng; Thuyền lắc; Đu lắc; Nhà kính; Du quay hào hoa; Đu gió; Đu vũ trụ; Đu xích; Xe đạp trên không; Giàn không gian sắt và sân khấu; Nhà bảo vệ cổng Võ Thị Sáu; Đường đua thể thức 1 và lán sửa chữa;  Nhà hàng golf hiện là nhà hàng Bình Nhưỡng - Hà Nội; Khu tập golf; Nhà hàng Tuổi trẻ 2 tầng đường Võ Thị Sáu; Nhà dịch vụ Tennis.


>Công viên Tuổi Trẻ bị “băm nát” - Kỳ 3.

Theo Tiền Phong