Top

Bộ Xây dựng yêu cầu: Siết chặt quản lý chất lượng xây dựng nhà cao tầng

Cập nhật 05/04/2008 08:00

Chất lượng các công trình xây dựng kém, liên tục xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là các công trình nhà cao tầng có nguyên nhân chủ yếu từ các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, mặc dù theo Bộ Xây dựng, hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động xây dựng đã tương đối đầy đủ và đồng bộ.

Ngày 4.4, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về hiện trạng chất lượng công trình xây dựng và đề xuất các giải pháp chấn chỉnh hiện trạng này.

Theo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), thì hiện nay chỉ trừ các công trình nhà cao tầng và đô thị có quy mô lớn thuộc nhóm A do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và phân cấp cho các địa phương thẩm định thuộc nhóm B được Hội đồng nghiệm thu nhà nước trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu thì có chất lượng tốt.

Phần lớn các công trình còn lại, do năng lực quản lý hạn chế, việc chấp hành các quy định của pháp luật của một số chủ đầu tư, DN chưa nghiêm đã để xảy ra những sự cố liên quan đến chất lượng công trình, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cụ thể như: Công trình toà nhà Pacific (quận 1, TPHCM) làm sập đổ trụ sở làm việc Viện Khoa học xã hội Miền Nam nguyên nhân do thi công tường vây cọc bêtông bị thủng, làm trôi tầng đất yếu ở xung quanh; cao ốc Residence cũng tại quận 1 có cọc cừ không đủ độ sâu làm bùn xung quanh trồi vào móng làm nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu (TPHCM); thi công phần hầm ngầm của toà nhà B2 (cao 8 tầng) thuộc dự án Vĩnh Trung Plazza (tổ 14, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đã gây ra tình trạng sụt lở đất, làm hàng loạt nhà thấp tầng  nằm sát cạnh công trình bị nghiêng...

Tất cả các sự cố trên đều từ các công trình do tư nhân làm chủ đầu tư và có nguyên nhân từ sự buông lỏng trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định của pháp luật hiện hành của chủ đầu tư và của các đơn vị, cá nhân tham gia thi công, tập trung chủ yếu ở phần ngầm của công trình. Tuy nhiên, trong vi phạm của chủ đầu tư, nhà thầu, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý xây dựng trên địa bàn đã chưa làm tốt khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các chủ thể khiến chất lượng công trình nhà cao tầng bị xuống cấp.

Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, hiện các quy định về chất lượng vật liệu hoàn thiện đối với nhà cao tầng trong đó tập trung nhà cao tầng là nhà ở còn chưa đầy đủ và còn phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư. Các chủ đầu tư được tự ý sử dụng vật tư, vật liệu hoàn thiện không đảm bảo tiêu chuẩn, làm thiệt thòi đến quyền lợi của người sử dụng và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Qua kiểm tra của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, đa số các nhà thầu thi công xây dựng đều tuân thủ việc thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế, nhưng vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị thực hiện thí nghiệm không đạt yêu cầu do không đủ năng lực chuyên môn. Trên thực tế, nhiều quy chuẩn , tiêu chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng công trình nhà công trình, công trình đô thị có quy mô lớn đã không còn phù hợp, không có chế tài xử lý vi phạm.

Để nâng cao chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị cần hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hiện nội dung của luật này đang gây cản trở cho việc chủ động của các bộ, ngành trong việc ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của  thực tế, nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành xây dựng không thể ban hành vì phải chờ Bộ KHCN thẩm định.

Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc liên quan đến Luật Đấu thầu, vì vậy cần chỉnh sửa theo hướng lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và giá cả sẽ thương thảo trên cơ sở đảm bảo chất lượng, lợi ích của cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

Theo Lao Động