Ngày 13-5, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) GPMB. Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho việc triển khai giải pháp thực hiện GPMB trong thời gian tới, nhất là tại những dự án trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Vẫn chưa đáp ứng được tiến độ
Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội Nguyễn Đức Biền cho biết, công tác GPMB 4 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 4, Hà Nội đã hoàn thành GPMB 82/896 dự án đầu tư có liên quan đến GPMB, trong đó có 45 dự án bàn giao một phần diện tích theo phân kỳ đầu tư. So với cùng kỳ năm trước, số dự án hoàn thành, diện tích thu hồi và số hộ được nhận tiền bồi thường đều tăng. Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được đẩy nhanh tiến độ GPMB, đáp ứng yêu cầu thi công, như các tuyến đường vành đai 3, Lạc Long Quân, Láng - Hòa Lạc, Nhật Tân - Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Đây là kết quả đáng khích lệ, bởi GPMB vốn là công việc rất khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít vấn đề đặt ra.
Đường Vành đai 3, một trong những công trình kịp hoàn thiện đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy |
Theo Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, khối lượng thực hiện có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Tại một số dự án trọng điểm yêu cầu phải hoàn thành gấp, nhưng đến nay khối lượng công việc còn nhiều, khó đáp ứng, điển hình là dự án đường 32, đường Văn Cao - Hồ Tây, cầu Nhật Tân, đường Lê Văn Lương kéo dài… Cá biệt, tại các huyện Thường Tín, Mỹ Đức suốt 4 tháng đầu năm không bàn giao được một mét vuông đất nào cho chủ đầu tư...
Cần đổi mới cách làm việc
GPMB chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là cơ chế, chính sách liên tục thay đổi, chưa sát với tình hình thực tế… Tại hội nghị, đại diện nhiều quận, huyện, thị xã tiếp tục phàn nàn về vấn đề này. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Đức Trí cho biết, huyện đang GPMB 26 dự án, trong đó có 5 dự án trọng điểm. Để bảo đảm tiến độ, mỗi dự án trọng điểm được giao cho một tổ công tác nhằm bàn giao đúng thời hạn thành phố yêu cầu. Một trong những khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến công tác GPMB tại địa phương là TĐC.
Ông Nguyễn Đức Trí kiến nghị, với các huyện ngoại thành như Sóc Sơn cần xem xét cho bố trí TĐC phân tán, bởi công việc của người dân ngoại thành phần lớn bám vào nông nghiệp, nên việc TĐC tập trung sẽ gây khó khăn cho sản xuất. Với những hộ còn đất, chính sách hỗ trợ bằng tiền để tự TĐC cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ. Sóc Sơn còn kiến nghị, UBND TP Hà Nội sớm có văn bản cho phép địa phương tự phê duyệt quy hoạch 1/500 để thực hiện nhanh các khu TĐC. Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh điều 40 tại Quyết định 108/2009/QĐ-UBND về quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để các địa phương dễ thực hiện.
Thi công một đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài sau khi hoàn thành việc GPMB. Ảnh: Duy Tuấn |
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều lãnh đạo các địa phương. Bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm kiến nghị về cơ chế, đơn giá đền bù tại một số điểm giáp ranh giữa huyện và quận Hà Đông. Bà Phan Lan Tú cho biết, giá đất tại một số địa điểm của Hà Đông cao hơn Từ Liêm, mặc dù sát nhau khiến người dân thắc mắc, khiếu nại. Đại diện huyện Gia Lâm phàn nàn về việc giá tiền bồi thường thấp hơn giá đất nơi chuyển đến khiến người dân không đồng tình…
Đánh giá về công tác GPMB thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh hoan nghênh sự nỗ lực, kết quả các địa phương đã đạt được, đồng thời chia sẻ khó khăn về những vướng mắc trong cơ chế, chính sách. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa một số quy định để việc thực hiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với các dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quyết không thể tiếp tục lùi tiến độ. Do vậy, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu các địa phương "khắt khe" hơn với chính mình và đổi mới cách thực hiện. Chính quyền phải xác định, giao nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân để tăng trách nhiệm, bám sát chỉ đạo.
Về quy trình, thủ tục GPMB, các quận, huyện cần sớm bỏ cơ chế chuyển văn bản lòng vòng, mất nhiều thời gian, nhưng kém hiệu quả. Thay vào đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ TĐC ấn định ngày họp các phòng, ban chức năng để quyết định, thực hiện ngay. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, chính quyền các quận, huyện phải hướng về dân, lắng nghe ý kiến phản ánh, tăng cường đối thoại, tránh quan liêu, từ đó giải quyết thấu đáo vấn đề theo hướng có lợi cho người dân, nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật.
Các dự án phải đẩy nhanh tiến độ GPMB
Thành phố đã "chốt" tiến độ GPMB các dự án giao thông trọng điểm sẽ phải hoàn thành trong thời gian tới, gồm: Dự án nhà ga T2; các tuyến đường: Nhật Tân - Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu, Văn Cao - Hồ Tây, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, đường 32…
Các quận, huyện liên quan đến GPMB các dự án trên đều giao cho một phó chủ tịch trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: