Xây dựng không phép trên đất nông nghiệp: Còn nhiều lấn cấn khi xử lý.
“Theo Nghị định 23/2009, nếu xây nhà trên đất nông nghiệp nhưng phù hợp quy hoạch làm đất ở thì chủ nhà phải ngưng thi công để thực hiện thủ tục xin phép xây dựng. Nhưng Nghị định 105 có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 lại quy định công trình phải bị tháo dỡ, khôi phục đất theo hiện trạng”. Đó là một trong những vướng mắc được các quận, huyện đặt ra trong cuộc họp với Sở Xây dựng TP về công tác quản lý trật tự xây dựng, ngày 13-5.
Bị phạt mấy lần mới đúng?
Thắc mắc trên được tranh luận khá sôi nổi tại cuộc họp. Một bên cho rằng đang có sự chồng chéo giữa hai văn bản, dẫn đến một hành vi nhưng lại bị phạt hai lần, chưa kể hai biện pháp khắc phục còn mâu thuẫn. Ý kiến khác, bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, cho rằng có thể xem đó là hai hành vi khác nhau, một là xây dựng không phép và hai là sử dụng đất không đúng mục đích, cho nên có hai văn bản điều chỉnh. “Để thống nhất, sở sẽ báo cáo Bộ Xây dựng để xin ý kiến” - bà Loan cho biết.
Chánh thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh Huỳnh Văn Hải đề nghị Sở Xây dựng giúp làm rõ trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp nhưng không phù hợp quy hoạch làm đất ở thì có được áp dụng Điều 15 Thông tư 24/2009 (cho tạm tồn tại) hay không. “Huyện đang xem xét hơn 1.200 vụ này. Tuy quy hoạch là đất nông nghiệp nhưng thực tế không thể làm nông nghiệp được nữa, nếu buộc tháo dỡ thì tội cho người dân” - ông Hải bày tỏ.
Sở xây dựng TP sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng hướng xử lý nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: HTD |
Ngoài ra, ông Hải còn thắc mắc về việc xử phạt những trường hợp vi phạm trước ngày 1-5-2009 (ngày Nghị định 23/2009 có hiệu lực) nhưng sau ngày này mới phát hiện. “Nếu xử phạt theo Nghị định 23 thì rất nặng, trong khi hành vi này xảy ra vào thời điểm Nghị định 126/2004 có hiệu lực. Vậy có được áp dụng Nghị định 126 theo nguyên tắc có lợi cho người dân không?” - ông Hải hỏi. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn giải đáp ngay: Các trường hợp trên phải áp dụng Nghị định 23 vì Nghị định 126 đã không còn hiệu lực.
Hướng ra cho trường hợp gây lún, nứt nhà lân cận
Theo Sở Xây dựng, điều khó khăn nhất khi thực hiện Nghị định 180/2007 là xử lý công trình gây sự cố làm ảnh hưởng đến nhà lân cận. Nghị định này yêu cầu công trình xây dựng phải ngừng thi công, khi nào bồi thường xong mới được xây tiếp. Sở Xây dựng cho biết trên thực tế một số chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc trong quá trình thương lượng bồi thường do chủ hộ bị ảnh hưởng làm khó. “Các chủ hộ này không chịu kiện ra tòa, hoặc tòa đã tuyên nhưng họ vẫn không chấp nhận bản án khiến công trình bị đình chỉ dài hạn, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư” - Sở nhận xét.
Từ đó, Sở Xây dựng đưa ra hướng giải quyết: Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư chưa bị đình chỉ thi công nhưng phải bỏ kinh phí thuê đơn vị kiểm định để xác định nguyên nhân. Sau khi có kết luận, nếu xét thấy việc xây dựng có nguy cơ làm sụp đổ công trình lân cận, chủ đầu tư chịu kinh phí di dời các hộ dân. Đồng thời, UBND phường, xã sẽ mời các bên đến thương lượng bồi thường hai lần, nếu không thành thì khởi kiện ra tòa. Sở Xây dựng là cơ quan có ý kiến về nghiệp vụ chuyên môn sau khi hai bên đã thương lượng.
Nếu kết quả kiểm định cho thấy công trình chưa có nguy cơ sụp đổ, UBND phường, xã cũng mời hai bên đến thương lượng bồi thường thiệt hại, sau hai lần không thành thì kiện ra tòa. Nếu hai bên không thỏa thuận được giá trị bồi thường, chủ đầu tư (căn cứ kết luận của đơn vị kiểm định) tạm gửi số tiền bồi thường thiệt hại vào ngân hàng để đảm bảo việc thanh toán cho bên bị ảnh hưởng sau khi có bản án của tòa. Còn công trình sẽ được phép tiếp tục thi công sau khi có phương án thi công đảm bảo an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: