Top

Đất Hà Nội: "Sốt" cả 4 hướng?

Cập nhật 13/05/2010 16:40

Khoảng hơn một tháng lại đây thị trường bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội lại chuyển động theo chiều hướng “nóng lên” khá nhanh, đặc biệt là giá đất nền nằm dọc theo trục đường Láng - Hòa lạc.

Không chỉ vậy, giá đất ở phía bên kia sông Hồng cũng đang “nóng” lên trông thấy. Thông tin về giá đất Hà Nội ngày một tăng lên, không chỉ ở một khu vực mà nóng cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc khiến nhiều người chao đảo, thật giả cứ lẫn lộn, không biết là tăng thật hay tăng ảo nữa.

Phía Tây “sốt” mạnh, giá tăng từ 30-40%

Thông tin đường Láng - Hòa Lạc sắp đưa vào sử dụng cùng ý tưởng trục Thăng Long được lập trong đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội có thể thành hiện thực đã khiến cho các đầu nậu lợi dụng “thổi” giá đất vùng ven phía tây Hà Nội tăng chóng mặt, kể cả đất nông nghiệp.

Khảo sát tại một số khu vực được cho là tâm điểm nóng của giá đất tại Hà Nội cho thấy, đất tại xã An Khánh trong vài tuần nay, giá đất tăng liên tục.

Theo đó, chỉ cách Khu đô thị Nam An Khánh khoảng 1km, chỉ cách tuần trước giá mới chỉ có 21 triệu đồng/m2 thì hiện giá đã lên 25 triệu đồng/m2. Tại Hoài Đức, giá đất cũng tăng, hiện đã lên 26 triệu đồng/m2

Khảo sát tại một số sàn giao dịch bất động sản, trong hai tuần qua, giao dịch đất nền dự án đã tăng 2-3 lần so với những tuần liền trước đó. Các lô có diện tích 50-120m2 nằm ở phía tây Hà Nội, dọc trục đường Láng - Hòa Lạc… được giao dịch nhiều nhất, với mức tăng giá khoảng 40%.

Cuối tháng 3/2010, đất ở khu vực Dương Nội chỉ dao động với giá từ 26-28 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên đến 32 triệu đồng/m2. Khu dự án Bắc An Khánh, giá đất nền tăng từ 1-1,4 tỷ đồng/lô.

Khu vực Hà Đông giá đất cũng tăng cao, tại Xa La, nhiều giao dịch thành công ở mức gần 40 triệu đồng/m2, tăng 8-10 triệu đồng/m2 so với cách đây 2 tuần.

Giá nhà liền kề tại Làng Việt kiều Châu Âu (Mỗ Lao - Hà Đông) đang được rao bán từ 70 -73 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20%. Khu Văn Quán hiện đang được định giá gần 100 triệu đồng/m2. Giá đất nền ở khu Văn Khê được rao bán khoảng 62 - 63 triệu đồng/m2 trong khi cách đây hơn 1 tháng chỉ khoảng 40 triệu đồng/m2.

Giá đất không chỉ tăng mạnh ở khu vực trung tâm và các trục đường lớn mà những khu cách xa các trục đường lớn giá đất cũng đang tăng chóng, có nơi tăng gấp hai lần so với thời điểm trước Tết.


Giá tăng mạnh ở phân khúc đất nền tại các dự án, đặc biệt là khu vực phía Tây Hà Nội.

Đông, Bắc cũng bắt đầu... tăng


Hiện nay, không chỉ ở phía Tây Hà Nội giá đất tăng từng ngày, mà ở phía Đông, nơi được coi là khu vực “yên ả’ nhất thì nay cũng đã có những động thái mới đối với thị trường, thu hút nhiều sự quan tâm đối với giới đầu tư.

Từ khi tổ chức đấu giá đất khu quy hoạch nhà ở cho dân Lâm gần Đại học Nông nghiệp I (còn gọi là dự án nhà ở Đặng Xá - thị trấn Trâu Quỳ) của UBND huyện Gia thì giá đất cũng bắt đầu tăng chóng mặt.

Với giá đấu thành công dao động từ hơn 10 triệu đồng đến 22 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí (đường 13,5m hay 22m). Tuy nhiên, sau phiên đấu giá ngay lập tức được các sàn bất động sản tung ra ồ ạt với mức chênh lệch từ 3-5 triệu đồng/m2. Đến nay, sau khi qua tay nhiều “nhà đầu tư”, giá đã chênh lệch tới cả chục triệu đồng/m2 so với giá đấu ban đầu.

Hiện một lô đất có diện tích hơn 100m2, đường chỉ có 13,5m, giá trúng thầu là 16,6 triệu đồng/m2, đã được “cò đất” đòi tới 25,5 triệu đồng/m2.

Không chỉ ở bên kia sông mà đất thổ cư phía mạn Tây Hồ cũng đang tăng lên. Cuối năm 2009 một mảnh đất thổ cư có diện tích 108 m2 trên mặt đường An Dương Vương, quận Tây Hồ được rao bán với giá 41 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã được rao bán với giá 70 triệu/m2.

Khu Phú Thượng cuối năm 2009 được rao bán với giá 21 triệu/m2, nay giá đất ở khu vực này đã được nâng lên bán từ 50-55 triệu/m2. Còn đất mặt phố Lạc Long Quân, gần chợ Bưởi giá bán đã lên tới 215triệu/m2, trong khi đó cách đây khoảng 1 tháng, người dân mới chỉ rao bán có 160 triệu đồng/m2.

Đặc biệt, giá đất ở khu đô thị Ciputra ở mạn Tây Hồ thuộc phía Tây Bắc cũng lên từ 80 triệu tới khoảng 110 triệu đồng/m2, biệt thự Vườn Đào từ 80-90 triệu đồng lên tới 110-140 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Thật, giả lẫn lộn


Lý giải về hiện tượng giá đất khu vực phía Tây Hà Nội tăng mạnh trong thời gian này, nhiều ý kiến cho rằng tác động mạnh nhất đó là sau khi có triển lãm quy hoạch “Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó có công bố 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và dự tính Trung tâm hành chính quốc gia sẽ chuyển về Ba Vì đã khiến một số nhà đầu tư săn lùng đất nền phía Tây, đặc biệt là ở các dự án có vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, có các dự án đô thị xung quanh đã và đang triển khai mạnh.

Ngoài thông tin về thị trường giao dịch của chứng khoán trong thời gian qua tăng điểm mạnh khiến cho một bộ phận nhà đầu tư đã tranh thủ chốt lời, rút tiền chuyển sang đầu tư BĐS thì việc khẳng định ở một số vị trí hiện nay ở Hà Nội có tình trạng “sốt đất” giả tạo do giới đầu cơ cố tình “thổi giá” là có thật.

Thực chất giá đất ở các khu vực trên đang tăng ảo. Và nhiều người dân không nắm được thông tin, cũng tự tăng giá, khiến giá đất cao bất thường. Thực chất, việc giá đất tăng chỉ là hậu quả từ việc lướt sóng của một số đầu nậu đất đai, chứ không phải phải là nhu cầu thực về đất ở.

Qua khảo sát tại các sàn BĐS, nhiều sàn cho biết hiện giao dịch BĐS ở Hà Nội đang diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, giao dịch chỉ xảy ra đối với các nhà đầu tư là chủ yếu, còn người có nhu cầu thực thì chỉ mới dừng lại ở việc tìm hiểu thông tin, và rất ít giao dịch thành công.

Còn như đất bên kia sông Hồng, trong khi người dân địa phương còn chưa nắm được thông tin cụ thể thì các nhà đầu tư đã “thông tỏ” hết rồi. Đây đích thị là do giới đầu cơ làm giá...

Còn GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng, nguyên nhân khiến cho thị trường BĐS tại Hà Nội bắt đầu có chiều hướng tăng giá từ tháng 2-2010 lại đây là do một bộ phận người dân Hà Nội có tiền nhàn rỗi. Hơn nữa với thông tin về quyết định đóng cửa sàn vàng khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang kinh doanh BĐS.

Thị trường BĐS hiện đang “nóng” theo tính chất cục bộ, chưa ổn định và cũng chỉ diễn ra tại các khu vực có hạ tầng tốt, giá cả ở mức cạnh tranh.

Các chuyên gia về BĐS cho rằng, sự nóng sốt bất ngờ này đã khiến cho thị trường BĐS ngày càng bị méo mó. Bởi giá BĐS chỉ nóng tại một vài dự án. Trong khi hiện nay, cầu về BĐS không có sự đột biến, nhu cầu giao dịch của người có nhu cầu thực vẫn hết sức dè dặt. Vì vậy, việc tăng giá đất đến chóng mặt trong 3 tháng nay rõ ràng có bàn tay của nhà đầu cơ, kích giá hưởng lợi.

DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV