Sau nhiều lần nhấc lên đặt xuống, số phận 970 biệt thự cổ tại Hà Nội cuối cùng đã được định đoạt. Như trong bất kỳ một cuộc chạy đua nào khác, trong khi một số người dân mỉm cười thỏa mãn, thì một số doanh nghiệp lại ủ ê vì bị gạt thẳng thừng khỏi danh sách được mua nhà.
Người dân cười…
Từ hàng trăm năm nay, biệt thự Pháp cổ đã là nét văn hóa rất riêng của Thủ đô Hà Nội. Qua thời gian, những bất động sản này dần trở thành vô giá, kể cả về kinh tế và văn hóa. Là những bất động sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, trước đây, người dân sống ở các biệt thự được thuê và mua nhà theo Nghị định 61/CP. Tuy thế, sau một thời gian dài thực hiện chính sách trên, thành phố Hà Nội đã tạm đình hoãn để chờ HĐND TP xem xét, thông qua hẳn một đề án về quản lý quỹ nhà biệt thự.
Cốt lõi của văn bản này chính là quyết định xem, trong số 970 biệt thự hiện hữu của thành phố, cái nào tiếp tục được bán, cái nào không, cái nào giữ lại cho mục đích công vụ, cái nào cho thuê... Đây có thể nói là khối tài sản khổng lồ của thành phố bởi với những vị trí đắc địa ở mặt phố trung tâm, diện tích lớn, các biệt thự Pháp cổ có giá thị trường có khi lên tới vài triệu đô-la Mỹ.
Trong số 970 bất động sản vô giá nói trên, quan trọng nhất là việc quyết định “số phận” 536 biệt thự đã bán một phần, nơi đang có hàng nghìn hộ dân đang cư trú. Thực ra, đề án này đã 2 lần trình HĐND TP nhưng chưa được thông qua do nội dung chuẩn bị của UBND TP chưa đạt yêu cầu.
Lần này, nội dung đề án được đa số đại biểu HĐND TP tán thành, nhất là việc cho phép tiếp tục bán nốt các nhà biệt thự đã bán dở. Đại biểu HĐND TP, ông Vũ Hoài Nam nói: “Nhiều biệt thự đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các biệt thự có đông hộ dân cư trú nên không thể dừng bán được. Quan trọng là quản lý sau bán thế nào...”
Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội tiếp: “Ở 536 biệt thự đã bán, nhiều nơi rất xập xệ, người dân ở rất khổ trong diện tích 20-30 m2 mà không được mua bán, cải tạo vì chờ quy định mới. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, họ rất bức xúc khi nói rằng “đại biểu phải ở vào hoàn cảnh đó mới biết...” Ông Nguyễn Văn Trịnh, Bí thư huyện ủy Gia Lâm cung cấp thông tin: "3.800 hộ đang ở, đã bán cho 2.500 hộ. Những trường hợp đã cấp "sổ đỏ" di dời sao được, đồng ý bán tiếp là cách duy nhất để quản lý...”
Cùng ý nghĩ đó, ông Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói: “Muốn “ôm” cũng không nổi, phải tiếp tục bán cho người dân. Song tiêu chí bán phải được làm rõ. Giá đất theo tôi phải sát giá thị trường vì nơi có biệt thự đều là vị trí đắc địa. Đặc biệt, phải có quy chế để hạn chế việc mua đi bán lại gây thất thoát, bức xúc trong dư luận. Nên chăng, thành phố thành lập doanh nghiệp đi thu gom, mua lại các biệt thự để khai thác, sử dụng, cho thuê...”
… doanh nghiệp “mếu”
Nhất trí cao về việc bán tiếp các biệt thự đã bán dở cũng như danh sách các biệt thự không bán, giữ lại song nhiều đại biểu HĐND TP lại “làm căng” về danh sách 46 biệt thự (đang cho các doanh nghiệp thuê) được thành phố đề xuất bán.
Ông Nguyễn Văn Trịnh nói thẳng: “Không thể bán với giá bèo, cần để lại cho sử dụng mục đích công cộng của thành phố. Doanh nghiệp có thể thuê chỗ khác...” Đại biểu Bùi Thị An cảnh báo: “Bán cho doanh nghiệp, sau khi cổ phần hóa là họ chuyển nhượng lung tung và thành phố mất nhà biệt thự. Phải giữ lại quỹ nhà này...”
Mặc dù, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giải trình rằng, giá bán biệt thự cho doanh nghiệp sẽ là giá thị trường chứ không phải bán theo Nghị định 61/CP song nhiều đại biểu vẫn khăng khăng ý kiến không nên bán mà để quỹ nhà này để sử dụng cho mục đích công.
Sau cùng, HĐND TP đã thông qua đề án quản lý biệt thự song 46 biệt thự doanh nghiệp đang thuê được HĐND quyết nghị giữ lại, không bán theo Nghị định 61/CP. Đương nhiên, dù không được mua, các doanh nghiệp này vẫn sẽ tiếp tục được thuê làm trụ sở nếu có nhu cầu. Đây rõ ràng là thiệt thòi cho các doanh nghiệp này song vì lợi ích chung của thành phố, họ cũng buộc lòng phải chấp nhận.
Cẩn trọng mua gom biệt thự
Liên quan tới số phận 970 biệt thự của Hà Nội, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, bán biệt thự là một chủ trương đúng, song Hà Nội cần phải lường trước được những vấn đề quản lý sau khi bán.
“Hà Nội phải thận trọng, phân định rõ bán thế nào, giữ lại thế nào và quản lý sau khi bán thế nào. Các nhà chuyên môn cần phải “vào cuộc” để có kết luận phù hợp. Đặc biệt, khi bán thì cần công khai toàn bộ các biệt thự, các tiêu chí của biệt thự cần bán, địa chỉ từng căn một để mọi người đều có thể tham gia mua bán một cách khách quan. Từ đó, sẽ không bỏ sót những nhà có giá trị lịch sử và đảm bảo việc mua bán được minh bạch” - ông Trần Ngọc Hùng phân tích.
Đứng ở góc nhìn quản lý vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, chính sách quản lý biệt thự và bán nhà mặt tiền, mặt phố tới nay vẫn thực hiện thống nhất và chưa có gì thay đổi.
“Cũng như những dạng nhà khác, nếu thuộc diện được bán theo Nghị định 61/CP, cơ chế, chính sách chưa có điều chỉnh mới. Theo quy định, đối với nhà biệt thự, giá bán và hệ số sẽ do HĐND TP quyết định. Phương án bán và quản lý biệt thự sẽ được UBND TP nghiên cứu, lập trình HĐND TP thông qua. Sau khi thành phố thống nhất mới trình, báo cáo Thủ tướng phê duyệt”.
Sau khi thành phố quyết bán tiếp 536 biệt thự đã bán một phần, nhiều người lo ngại, Hà Nội sẽ dấy lên một làn sóng mua gom biệt thự. Theo đó, các đầu nậu bất động sản sẽ tung tiền ra mua nhà của từng hộ dân đang ở, rồi dần hợp thức hóa và xin cấp “sổ đỏ” để tìm cách phá dỡ, xây cao ốc.
Trong các giai đoạn trước đây, Hà Nội cũng đã đôi lần ầm ỹ khi “vô tình” phát hiện một vài trường hợp mua gom biệt thự. Với những thương vụ mua bán - thương lượng - thuyết phục kéo dài có khi tới 3-4 năm, các nhà đầu cơ đã “nuốt” dần những biệt thự lớn tới gần 1.000 m2 ngay khu trung tâm trị giá 5-7 triệu đô-la Mỹ với giá mua rất bèo.
Sau khi báo chí lên tiếng, nhiều trường hợp mua gom, xin hợp thức hóa đã bị đình lại hồ sơ nhưng nay cùng với việc chủ trương bán biệt thự được nối lại, hoạt động mua gom rất có thể bùng phát.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: