Top

Đừng để Hà Tây là điểm nóng về giải phóng mặt bằng!

Cập nhật 07/05/2008 17:00

Hà Tây đang có nhiều đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án đô thị mới. Những thông tin về việc mở rộng Hà Nội càng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quyết tâm thúc đẩy dự án.

Tuy nhiên, xung quanh những thông tin về mở rộng Hà Nội lại đang có những lực cản nếu không kịp thời được tháo gỡ dễ làm đình trệ tiến độ thực hiện, nản lòng các chủ đầu tư.

Hàng tháng nay người dân xã Dương Nội (TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây) thường xuyên kéo đến UBND xã đối chất với chính quyền về bồi thường đất đai, không giao đất cho dự án. Một số người quá khích còn lăng mạ chính quyền, lăng mạ cán bộ, gây tâm lý hoang mang dao động trong nhân dân.

Không ít “cò đất” tràn về Dương Nội mua gom đất nông nghiệp với giá thấp nay không chuyển đổi được, lợi dụng một số thông tin rao bán tràn lan trên mạng, trên báo với giá cao nên kích động những nông dân chót “bán lúa non” vòi tiền nhà đầu tư, kiến nghị đòi mức đền bù cao bất hợp lý. Một số hộ dân không muốn giao đất với tâm lý cho rằng khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, giá đất đền bù có thể cao hơn…

Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Tuần Châu - Hà Tây có tổng diện tích 198,7 ha thuộc 3 thôn: Phúc Đức, Đa Phúc và Thuỵ Khuê của xã Sài Sơn (Quốc Oai), đến nay, Ban Bồi thường GPMB huyện Quốc Oai đã thực hiện kiểm đếm, bồi thường GPMB được 88,6 ha, đã chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB, thu hồi đất của các hộ dân thôn Đa Phúc, bàn giao cho chủ đầu tư được 23,6 ha; 65 ha của thôn Phúc Đức đã cơ bản kiểm đếm xong, hiện đang làm thủ tục trình dự toán kinh phí bồi thường GPMB lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, tiến độ GPMB của dự án còn chậm do phải giải quyết các ý kiến kiến nghị của một số hộ dân có đất phải thu hồi, chủ yếu tập trung vào việc giải quyết đất dịch vụ…

Huyện Quốc Oai đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu đất dịch vụ để phục vụ công tác GPMB của dự án. Đến nay, huyện đã quy hoạch và xây dựng xong phương án tổng thể bồi thường GPMB khu dịch vụ tại xã Sài Sơn với tổng diện tích 64,8 ha và làm các thủ tục thu hồi đất, hoàn thiện các khâu công việc để sớm giao đất cho các hộ bị thu hồi đất thực hiện dự án.

Tại Dự án xây dựng Tòa nhà hỗn hợp thuộc phường Phúc La của Cty cổ phần Thương mại Hà Tây, UBND tỉnh cũng như các ngành chức năng đã phê duyệt dự án, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt tiền sử dụng đất phải hộp của chủ đầu tư nhưng chỉ vướng những kiến nghị không đủ căn cứ của một số hộ dân sử dụng đất được giao chưa hợp pháp trên khu vực đất dự án nên tiến độ dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn công ty…

Không ít chủ đầu tư đã nản lòng, tìm hướng mới. Không ít người có trách nhiệm đã lo lắng Hà Tây có nguy cơ quay trở lại thời kỳ “điểm nóng” về giải phóng mặt bằng như trước đây…

Qua tìm hiểu, đại đa số các dự án đã thực hiện đền bù đúng quy định và thỏa đáng, thấu tình đạt lý. Cụ thể như tại Dương Nội, ông Trịnh Bá Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Dương Nội cho biết: tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 1m2 đất trồng cây trên địa bàn xã Dương Nội là 180.000 đ/m2.

Mức giá này hoàn toàn phù hợp với các quy định của nhà nước đã được thành ủy, UBND thành phố và các ngành của tỉnh xem xét báo cáo UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định, đảm bảo phù hợp với các địa phương trong thành phố Hà Đông và các địa phương giáp ranh như Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai.

Về giá bồi thường, hỗ trợ đối với cây đào, đây là mức giá đã được áp dụng tăng gấp 1,3 lần so với mức giá cây đào cảnh mà UBND thành phố Hà Nội đang thực hiện...

Ông Lê Hồng Thăng - Chủ tịch UBND thành phố Hà Đông cũng khẳng định: Để giải quyết lao động và việc làm, thành phố đã có Chương trình “Giải quyết việc làm và dạy nghề cho người lao động của thành phố Hà Đông giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo”, với tổng kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề là 47 tỷ đồng.

Hà Đông thành lập Ban Bồi thường GPMB, tập trung cho một số dự án trọng điểm. Ban bồi thường GPMB thành phố Hà Đông đã thực hiện chi trả 119 tỷ đồng bồi thường hỗ trợ GPMB cho 3 khu đô thị: Khu Văn La, Khu nhà ở Văn Khê mở rộng (địa bàn xã Văn Khê), Khu đô thị Dương Nội (địa bàn xã Yên Nghĩa và xã Văn Khê).

Thông qua chi trả có 100% hộ ở Khu Văn La được bổ sung tiền hoa màu với số tiền 86 triệu đồng; 18,6 tỷ đồng chi trả cho 232hộ/ 235 hộ của Khu Văn Khê mở rộng, Ban bồi thường GPMB đã tiến hành bàn giao 77,8 ha mặt bằng.

Địa bàn xã Yên Nghĩa và xã Văn Khê đã chi trả 100,4 tỷ đồng cho 1.068 hộ/1.092 hộ và bàn giao 52ha mặt bằng cho chủ đầu tư. Hiện còn 27 hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ là do tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình và liên quan đến diện tích, ranh giới giữa các địa phương.

Thực tế công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án trọng điểm của Hà Tây đang đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, các đoàn thể, và của mọi người dân Hà Tây.

Trước xu thế đô thị hóa, cần cân đối hài hòa lợi ích của nhười dân, của địa phương, của nhà đầu tư, quy hoạch bảo đảm diện tích canh tác của từng địa bàn. Cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của từng dự án để người dân đồng cảm, chấp nhận những khó khăn cũng như hy sinh một số quyền lợi trước mắt vì lợi ích chung và vì lợi ích của chính từng hộ dân sau này.

Sớm có những chính sách cụ thể hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ bị thu hồi đất cho các dự án, có cơ chế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tại các khu vực bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện kinh doanh dịch vụ, phục vụ các khu công nghiệp, đô thị ,giải quyết việc làm tại chỗ, đảm bảo sự gắn kết hạ tầng của khu đô thị và khu CN hiện tại với vùng dân cư cũ…

Bên cạnh đó, khi đã giao đất cho thực hiện dự án, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thực hiện dự án cho doanh nghiệp. Cần kiên quyết xử lý dứt điểm những đòi hỏi thiếu căn cứ, bất hợp lý, kiên quyết xử lý những kẻ kích động, lôi kéo, lợi dụng gây rối, cản trở các dự án, giải quyết dứt điểm kịp thời các vướng mắc phát sinh, tránh tình trạng địa phương thì né tránh đùn đẩy, cấp trên thì thờ ơ ngại tiếp xúc với dân…

Theo Tiền Phong