Bộ trưởng bộ Văn hoá, thể thao và du lịch tỏ ý đồng tình về việc xây dựng khách sạn trên nền phủ Nội vụ trong Hoàng thành Huế. Điều này đã khiến những người quan tâm đến văn hoá Huế giật mình
Khu vực phải bảo vệ nguyên trạng
Trong chuyến làm việc của bộ trưởng bộ Văn hoá, thể thao và du lịch tại Thừa Thiên - Huế ngày 2.5, bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế, ông Hồ Xuân Mãn đã “kiến nghị bộ trưởng cho phép quy hoạch lại phủ Nội vụ để xây dựng khách sạn cung đình cao cấp (khoảng 50 phòng), phù hợp với cảnh quan môi trường di tích mang đặc trưng nét cung đình Việt Nam nhằm thu hút du lịch, bảo tồn và phát triển di sản vốn có của cố đô”.
Trước đề nghị này, ông Hoàng Tuấn Anh, bộ trưởng bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cho rằng: “Đây là một ý tưởng rất hay vì không phải du khách nào đến Huế cũng có điều kiện được ngủ, được hưởng thụ tất cả các dịch vụ cao cấp ở trong hoàng cung”. Theo đó, “để cho chắc chắn”, ông Hoàng Tuấn Anh hứa “sẽ cử anh Bài (cục trưởng cục Di sản) cùng với các anh nghiên cứu lập đề án. Riêng về ý kiến tôi, tôi nhất trí hoàn toàn”.
Theo luật Di sản văn hoá, phủ Nội vụ, thuộc khoanh vùng 1 di tích Hoàng thành Huế đã được quy định là khu vực phải “bảo vệ nguyên trạng”. Điều này có nghĩa, không thể xây dựng thêm các công trình mới để giữ tính chân xác của di tích.
Nên trả lại công năng
Theo trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, phủ Nội vụ (xây dựng năm 1937) vốn là nơi chế tác, cất giữ những bảo vật của triều đình, là một trong những công trình nằm trong tổng thể kiến trúc Hoàng thành Huế. Đến năm 1957, phủ bị biến thành trường cao đẳng nghệ thuật. Đầu năm 2008, học viện Âm nhạc thành lập và chuyển ra khỏi phủ Nội vụ. Hiện trong phủ Nội vụ chỉ còn là nơi làm việc và giảng dạy của trường đại học Mỹ thuật Huế, nhưng sắp tới cũng được di dời.
Trở lại với ý tưởng xây dựng khách sạn ở phủ Nội vụ của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc sở Văn hoá tỉnh Thừa Thiên - Huế, lo ngại rằng: “Đây vốn được thiết kế làm nơi cất giữ bảo vật, không phù hợp với kiến trúc của một khách sạn. Nếu xây dựng khách sạn sẽ không tránh khỏi việc xây dựng mở rộng, ví dụ như xây thêm bãi đổ xe, nhà vệ sinh... Điều này sẽ làm biến dạng những yếu tố gốc của di tích. Hơn nữa, du khách cao cấp sẽ không lấy làm vinh dự gì khi phải trả một số tiền rất lớn để vào ngủ trong... kho của hoàng cung Huế”.
Theo ông Hoa, hướng khai thác tốt nhất là trả lại đúng công năng của phủ Nội vụ. Ông nói: “Hiện tại trong hệ thống bảo tàng ở Huế đang lưu giữa hàng vạn cổ vật được lấy từ phủ Nội vụ. Vì vậy, cách khai thác tốt nhất là sau khi tu bổ, lãnh đạo tỉnh nên gom lại, tổ chức trưng bày cổ vật ở đây như một cách giúp du khách thấy được sinh hoạt của hoàng cung xưa”.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: