Trong dự thảo Luật Thuế Nhà đất, Bộ Tài chính thừa nhận “Hiện nay cơ quan quản lý nhà, đất chưa xác định được mỗi hộ gia đình, cá nhân có bao nhiêu nhà, đất nên rất khó khăn cho việc xác định giá trị tính thuế”.
Nếu không khắc phục được nhược điểm này, người ngay thẳng sẽ chịu thiệt lớn.
Xin xác nhận có một BĐS: lên giời
Thời gian qua, tại TPHCM không ít người bán BĐS duy nhất vẫn phải nộp thuế TNCN dù luật cho phép miễn. Các chi cục thuế tại TPHCM đồng ý cho người chuyển nhượng BĐS ký cam kết không có BĐS thứ hai để được miễn thuế.
Tuy nhiên chỉ áp dụng đối với người có địa chỉ hộ khẩu trùng với nhà đang bán, nếu không trùng thì phải đi xin giấy chứng nhận có một BĐS. Do hiện nay tại TPHCM chưa có hệ thống dữ liệu cập nhật BĐS của từng cá nhân nên dù có chạy từ UBND phường sang Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận rồi đến Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) thì cũng chẳng cơ quan nào xác nhận việc này.
Chủ tịch UBND P. Đa Kao Nguyễn Duy An cho hay: “UBND phường làm sao biết được ai có nhà ở nơi khác mà dám xác nhận”. Phòng quản lý đô thị Q.1 cũng thừa nhận chỉ có thể biết được cá nhân có hai BĐS trở lên trong cùng quận với điều kiện có sổ hồng, sổ đỏ còn ở nơi khác cùng thành phố thì chịu thua. Lý giải trên cũng được Sở TN - MT TPHCM đưa ra khi không xác nhận BĐS duy nhất, vì ai đó có BĐS nằm ở ngoài thành phố thì sở này cũng đành bó tay.
Từ nhiều năm nay, phần lớn chủ đầu tư khi bán hay kêu gọi góp vốn đầu tư và căn hộ, đất nền chỉ bằng hợp đồng mà không qua bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Người mua, bán cũng dựa vào hợp đồng này để mua đi bán lại và chỉ cần sang tên hợp đồng và nộp phí chuyển nhượng cho chủ đầu tư.
Đầu năm 2009 đến nay, khi Luật thuế TNCN có hiệu lực, cách mua bán trên vẫn tiếp tục và hầu hết chẳng phải nộp đồng thuế nào dù có BĐS trị giá hàng tỷ đồng. Nếu sang tên hợp đồng cho bên mua trước khi bên bán nộp đủ tiền và nhận hóa đơn đỏ thì một BĐS có giá khoảng hai tỷ đồng sẽ bớt được khoảng 40 triệu đồng (hai phần trăm thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS).
Ông Phan Văn Cheo, nguyên Trưởng phòng Công chứng số 1 (TPHCM) cho biết: “Chỉ khi nào căn hộ, nền đất có sổ thì mới mua bán qua công chứng và lúc đó cơ quan thuế mới kiểm soát được”. Bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TPHCM nói, hiện ngành thuế mới chỉ kêu gọi người dân tự giác là chính chứ chưa có cơ sở nào để phát hiện rồi truy thu các khoản thuế trên.
Kẽ hở lớn, người ngay sẽ thua kẻ gian
TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng – Việt kiều Mỹ đang giảng dạy tại TPHCM lo ngại kẽ hở trên sẽ gây thiệt thòi cho người tự giác, vô tình khuyến khích giao dịch ngầm và khiến các chủ đầu tư, người mua BĐS trì hoãn làm giấy tờ sở hữu để lách thuế. Nhưng điều mà nhiều người lo ngại nhất hiện nay là dự thảo Luật Thuế Nhà đất vẫn không khắc phục được nhược điểm quá lớn trên.
Dù thừa nhận rất khó khăn trong việc xác định số lượng nhà, đất của mỗi cá nhân để thu thuế nhưng Bộ Tài chính cũng chỉ xác định được nhiệm vụ cụ thể là “Xây dựng cơ sở dữ liệu trong việc quản lý thu thuế”. Còn muốn thực thi hạn chế tối đa thất thoát, gian lận thì còn phải trông chờ vào sự phối hợp với các Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành…
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ khẳng định, nếu không có cơ sở dữ liệu và bắt buộc mọi giao dịch BĐS phải qua sàn, cơ quan thuế đều kiểm soát được thì việc thu thuế BĐS sẽ khiến cho người ngay thiệt mà kẻ gian lợi. Lo ngại trên hoàn toàn có lý khi gần chục năm nay các cơ quan quản lý vẫn giậm chân tại chỗ trong việc liên thông những dữ liệu về BĐS trong từng tỉnh thành chứ chưa nói đến toàn quốc.
Nếu dự thảo Luật Thuế Nhà đất được Quốc hội thông qua năm 2010 thì sẽ có hiệu lực vào 1/1/2011. Theo Bộ Tài chính, thời gian như thế là quá ngắn để cho ra đời hệ thống, cơ chế, điều kiện xác định được ai có bao nhiêu BĐS… Và nếu như thế, Luật Thuế Nhà đất sẽ còn kẽ hở quá lớn.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: