Top

Dự án xây dựng khu dân cư Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM: Chậm trễ: "ngốn" thêm 260 tỉ đồng!

Cập nhật 07/08/2007 15:00

Một dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) có tổng vốn đầu tư 542,6 tỉ đồng; dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 năm 2004 - 2005, nhưng đến nay mới chỉ cơ bản xong phần... san lấp mặt bằng. Chính vì sự chậm trễ này, dự án sẽ "ngốn" thêm khoảng 260 tỉ đồng của Nhà nước!

Quá hạn hơn 1 năm chưa san lấp xong mặt bằng

Tháng 5.2004, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 2160/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu dân cư (KDC) Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Quyết định này nêu rõ KDC Vĩnh Lộc B được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và hạ tầng đồng bộ trên diện tích 30,92 ha thuộc xã Vĩnh Lộc B, bao gồm: 531 nhà phố liên kế, 45 nguyên đơn chung cư 5 tầng với hơn 2.200 căn hộ cùng các công trình công cộng như trường tiểu học, trường mẫu giáo, phòng khám đa khoa, công viên cây xanh... với tổng vốn đầu tư là 542,6 tỉ đồng. Dự án có tiến độ đầu tư trong 2 năm 2004 - 2005 và giao cho Ban Quản lý (BQL) dự án nâng cấp đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.

Việc quyết định xây dựng dự án KDC Vĩnh Lộc B là nhằm tạo quỹ nhà, đất phục vụ TĐC cho các hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án nâng cấp đô thị đang được triển khai trên địa bàn TP từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Xác định tầm quan trọng của dự án, ngay từ năm 2002 UBND TP đã chỉ đạo các ban, ngành phải khẩn trương thực hiện dự án. Và tháng 5.2003, UBND TP chấp thuận cho BQL được chỉ định thầu tư vấn khảo sát lập quy hoạch và dự án khả thi khu TĐC Vĩnh Lộc B. Rồi hơn 1 tháng sau khi phê duyệt dự án đầu tư, tháng 8.2004 UBND TP tiếp tục phê duyệt dự toán hạng mục chuẩn bị đầu tư của dự án...

Thái độ khẩn trương của UBND TP.HCM cũng dễ hiểu, bởi khi triển khai các dự án nâng cấp đô thị sẽ có hàng ngàn hộ dân bị giải tỏa cần nơi tái định cư. Thế nhưng, trái với kỳ vọng của lãnh đạo TP, tiến độ dự án KDC Vĩnh Lộc B lại chậm như... rùa bò. Đầu năm 2006, khi thời hạn thực hiện dự án đã hết mà dự án vẫn chỉ là những thửa đất ngổn ngang, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM đã có văn bản yêu cầu BQL thực hiện công tác giám sát đánh giá đầu tư và báo cáo Bộ KH-ĐT. Đáp lại, 10 tháng sau (vào ngày 3.11.2006), BQL mới có văn bản trả lời nhưng chỉ ở mức "chung chung", khiến Sở KH-ĐT phải yêu cầu báo cáo lại.

Tại một cuộc họp vào cuối tháng 3.2007, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nhận xét: "Theo quyết định đầu tư dự án đã trễ hạn hơn 1 năm nhưng chủ đầu tư chỉ triển khai thi công được hạng mục san lấp mặt bằng, hầu hết các hạng mục còn lại đang ở giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán. So với quyết định đầu tư đã được duyệt, nội dung dự án có nhiều thay đổi về quy mô, khối lượng và nguồn vốn... Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, do đó cần phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Những tưởng sau những cuộc họp này, tiến độ dự án sẽ được cải thiện nhưng trên thực tế vẫn không thay đổi. Vào thời điểm cuối tháng 6.2007, khu vực dự án vẫn chỉ là bãi đất đang san lấp dở dang, hàng ngàn mét vuông ao ruộng giáp bờ bao kênh thủy lợi liên vùng vẫn là... ruộng, trong đó có cả nhà của dân chưa giải tỏa xong.

260 tỉ đồng đi về đâu?

Trong khi tiến độ của dự án quá... "rùa" thì tổng vốn đầu tư dự án liên tục được đề xuất tăng với những mức vốn chênh lệch nhau hàng trăm tỉ đồng. Cụ thể: tổng nguồn vốn đầu tư được phê duyệt là 542,6 tỉ đồng, nhưng đến tháng 12.2006 BQL dự án có văn bản đề nghị điều chỉnh vốn theo hướng tăng lên thành 786,1 tỉ đồng. Trong đó, riêng vốn xây lắp từ hơn 443 tỉ tăng lên 644,7 tỉ đồng. Nguyên nhân tăng vốn được giải thích chủ yếu do phát sinh tăng khối lượng công việc, do điều chỉnh tăng lương và giá vật liệu xây dựng tăng... Vài tháng sau, vốn xây lắp lại được BQL dự án đề xuất "đẩy" lên thành 684,3 tỉ đồng. Đến nay, theo một cán bộ BQL dự án, tổng vốn đầu tư lại được thay đổi với số tiền lên đến hơn 800 tỉ đồng, tức là chênh lệch gần 260 tỉ đồng so với tổng số vốn được phê duyệt ban đầu!

Dự án kéo dài nên việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư là khó tránh khỏi. Mặt khác, chủ trương điều chỉnh tổng vốn đầu tư đã được Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đồng ý. Tại cuộc họp cuối tháng 3.2007, ông Tín có ý kiến: "Xuất phát từ tình hình thực tế và đáp ứng tình hình quá bức xúc về nhu cầu xây dựng nhà phục vụ chương trình tái định cư của TP, việc điều chỉnh dự án là có cơ sở; giao Sở KH-ĐT hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng...". Song ở đây, việc BQL dự án "điều chỉnh" vốn cũng là điều đáng nói.

Theo đó, tại Quyết định 2160 nêu trên, UBND TP ghi rõ "nguồn vốn đầu tư" được ngân sách TP cấp và cho mượn khoảng 180 tỉ đồng, còn lại được huy động từ các nguồn khác trong đó có 305 tỉ "ứng trước của các đơn vị thi công (không tính lãi)", cho thấy dự án được làm bằng nguồn vốn xã hội hóa rất cao. Thế nhưng, trong quá trình đề xuất tăng vốn đầu tư, BQL dự án lại dồn hết nguồn vốn đầu tư vào ngân sách, kể cả hàng trăm tỉ đồng dự kiến huy động từ các đơn vị thi công.

Trách nhiệm trong việc để dự án chậm trễ (và tất nhiên kéo theo việc ngân sách phải tốn thêm hàng trăm tỉ đồng), theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, là: "... thuộc về chủ đầu tư (BQL dự án - PV) và đơn vị tư vấn, do đó cần phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm", nhưng đến nay yêu cầu "nghiêm túc kiểm điểm" này vẫn chưa được thực hiện.

Dư luận đặt câu hỏi liệu số tiền tăng thêm 260 tỉ đồng có phải là con số cuối cùng mà ngân sách đổ thêm vào dự án đến khi hoàn thành? Mặt khác, cần phải mổ xẻ đến nơi đến chốn để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc "đẩy" tổng số vốn của dự án từ 542,6 tỉ đồng lên thành hơn 800 tỉ đồng, không thể có chuyện ngân sách thì bị tăng thêm nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Theo Thanh Niên