Cơ hội cho hàng ngàn sinh viên ĐHQGHN chấm dứt cảnh trọ trong những căn nhà cấp bốn tồi tàn, để được hít thở bầu không khí trong lành, có môi trường học tập tiêu chuẩn, sống trong những khu KTX hiện đại vào năm 2012 có lẽ sẽ không như dự kiến.
Nguyên nhân vì hàng chục hạng mục đầu tư xây dựng tại khu vực Hoà Lạc-Hà Tây đang triển khai quá chậm so với yêu cầu.
Bài 1: Xây dựng ĐH Quốc gia HN tại Hà Tây với tốc độ... rùa!
Mới nhận bàn giao hơn 25% diện tích mặt bằng
Ông Lê Văn Đính-Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) xây dựng ĐHQGHN thừa nhận: Nhiều phần việc triển khai bị chậm so với yêu cầu đặt ra.
Mặc dù điều chỉnh quy hoạch chung ĐHQGHN tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt từ năm 2002 và nhiều công việc đã được triển khai từ trước đó, nhưng đến nay (8/2007) BQLDA mới chính thức tiếp nhận được khoảng 25% diện tích mặt bằng của khu vực xây dựng ĐHQGHN tương đương với hơn 220 ha và vẫn chưa phải là mặt bằng sạch (tức là nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng vẫn chưa được di dời).
Thực tế, ngoài vỏn vẹn khu nhà công vụ mà BQLDA đang sử dụng làm trụ sở làm việc, cả một vùng dự án vẫn... xanh màu cỏ dại và cây rừng xen lẫn với những nương chè của những người nông dân thấy tiếc cho đất bỏ hoang mà trồng cấy.
Nhiều nội dung trong mục tiêu mà Đảng ủy ĐHQGHN đặt ra đã không thành hiện thực. Cụ thể như: Đến hết năm 2007 thực hiện đền bù, GPMB được khoảng 800 ha; Đến hết quý II/2007 thi công xong phân khu phía Bắc để chuyển các hộ dân thuộc diện di dời đến khu tái định cư…
Với các dự án thành phần, mục tiêu đặt ra vẫn còn rất xa vời, điển hình là DA hạ tầng kỹ thuật, khu trung tâm ĐHQGHN, trung tâm thể dục thể thao và trung tâm giáo dục quốc phòng, khu ký túc xá sinh viên, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm, ĐH Công nghệ, ĐH Ngoại ngữ, Khoa kinh tế, Luật, các Viện - Trung tâm nghiên cứu khoa học, ĐH Quốc tế...
Thu hồi đất nhưng vẫn chưa xây khu tái định cư!
Mặc dù đây là một trong những dự án đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục đào tạo lớn nhất từ trước tới nay, có mức đầu tư dự kiến lên đến khoảng trên 11.000 tỷ đồng (dự án tiền khả thi năm 2003 xác định là 7.329 tỷ đồng) nhưng cách điều hành và triển khai dự án thì lại hết sức thiếu chuyên nghiệp và trì trệ.
Ông Cấn Văn Lai-Trưởng Ban GPMB huyện Thạch Thất thừa nhận là mặc dù đã đã tiến hành kiểm đếm, bồi thường được trên 600 ha (bao gồm cả đất xây ĐHQG, đất giao cho Trường Sỹ quan lục quân I, đất tái định cư...) đất thu hồi và bàn giao 340 ha nhưng thực tế thì nhà tái định cư cho cả ngàn hộ dân thuộc diện di dời vẫn nằm trên giấy!?
Bản thân phần đất 114 ha để đưa dân đến tái định cư cũng mới bồi thường tiền thu hồi đất được 43 ha. Ngay như 34 ha đất tái định cư đã được Ban GPMB bàn giao cho chủ đầu tư đã 1 năm nay rồi nhưng khu tái định cư vẫn chưa thấy đâu.
Ông Cấn Văn Lai cho rằng mặc dù yêu cầu đặt ra là khu tái định cư phải đi trước một bước, nhưng thực tế tại dự án này thì ngược lại, thu hồi đất rồi mà vẫn chưa xây khu tái định cư. Nhà cửa trong khu vực thu hồi không được tu sửa, cải tạo, cộng thêm với việc người lao động tại nông trường mất việc làm do bị thu hồi đất khiến nhiều hộ dân hoang mang, không ổn định cuộc sống dẫn đến GPMB thêm nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Đính cho biết thêm nguyên nhân dẫn đến xây dựng khu tái định cư quá chậm vì phải thay đổi chủ đầu tư, lúc đầu là ĐHQG làm chủ đầu tư, sau đó lại ủy quyền cho UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư. “Thời gian UBND huyện Thạch Thất triển khai dự án đã phát sinh vướng mắc về thủ tục pháp lý, hơn nữa do quản lý dự án không đảm bảo tính chuyên nghiệp nên đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc của dự án” - Đảng ủy ĐHQG khẳng định.
Cũng theo ông Lê Văn Đính, tình trạng nhiều hạng mục chậm tiến độ còn do việc chuẩn bị đầu tư phức tạp, qua nhiều cấp, nhiều ngành phê duyệt. Công việc phải chậm lại một phần do việc phải mời tư vấn nước ngoài xem xét lại quy hoạch chung do nhiều đơn vị trong nước không đủ năng lực.
Giá thuê tư vấn nước ngoài phải thương lượng, xét duyệt mất nhiều thời gian. Nhiều chuyên gia tư vấn nước ngoài chưa hiểu quy định của luật pháp Việt Nam về đầu tư, xây dựng. Có sự tranh chấp về địa giới hành chính tại địa phương mà chậm được giải quyết dứt điểm...
Mặt khác, ông Lê Văn Đính cho rằng, nhiều quy định về trách nhiệm, quyềnlợi của cán bộ của BQLDA và nhiều bên liên quan còn chưa phù hợp, quy định về trách nhiệm còn hết sức chung chung, thiếu minh bạch. “Thu hút người giỏi về làm việc tại Ban Quản lý dự án rất khó. Đã có 2 thạc sỹ và 3 kỹ sư xin thôi việc tại Ban Quản lý dự án và đó cũng là một khó khăn mà chúng tôi phải khắc phục trong thời gian tới” - Ông Đính giải thích thêm.
Đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của các Ban QLDA, đặc biệt là Ban quản lý chung của dự án chậm được kiện toàn, chưa chủ động trong công việc được giao; phân công kiểm điểm trách nhiệm giữa các bộ phận và cá nhân chưa rõ ràng.
Công tác lựa chọn nhà thầu chưa tốt, chưa phát huy được tính cạnh tranh. BQLDA chung và các chủ đầu tư dự án thành phần chưa thực hiện tốt vai trò quản lý, kiểm tra, đôn đốc, xử lý hợp đồng đối với các nhà thầu, dẫn đến nhiều hợp đồng bị kéo dài thời gian thực hiện.
(Nguồn: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của BCH Đảng bộ khóa III-ĐHQGHN)
(Còn nữa)
Theo Minh Tuấn - Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: