Chưa bao giờ nhà chung cư cao tầng ở nước ta lại được xây dựng nhiều như bây giờ, từ thành phố lớn đến các đô thị cấp tỉnh… với những lời quảng cáo hấp dẫn như căn hộ cao cấp, khu đô thị chất lượng cao... Thế nhưng, cũng chưa bao giờ người tiêu dùng bớt nghi ngại về chất lượng của những công trình này.
Tiêu chuẩn đã... chuẩn ?
Sau tai nạn thương tâm hôm 1-8, một cháu bé 4 tuổi rơi từ tầng 11 nhà Nơ 9B khu đô thị mới Linh Đàm, dư luận càng quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chuẩn chất lượng nhà cao tầng. Chúng tôi đã liên hệ với Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Cục trưởng Cục Quản lý nhà của Bộ Xây dựng để tìm hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn chất lượng nhà cao tầng đối với vấn đề an sinh xã hội của người dân, thế nhưng đều bị từ chối trả lời vì lí do... không liên quan !
Quay trở lại tai nạn với cháu bé tại nhà Nơ 9B, nguyên nhân chủ yếu là do gia đình bất cẩn. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn như vậy. Các căn hộ ở khu Linh Đàm đều được bố trí lô gia với lan can 1,2m đúng tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 do Bộ Xây dựng ban hành quy định: “Đối với nhà từ 6 tầng trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m”. Trên thực tế, tiêu chuẩn này chưa thực sự phù hợp, bởi với các lô gia rộng nằm ở những tầng cao thì ngay cả người lớn còn cảm thấy sợ và mất thăng bằng khi đứng tại đây.
Ông Phạm Cao Thức 71 tuổi - phòng 1010 tầng 10 nhà 9B nói “theo tôi lan can này vẫn thấp và rất nguy hiểm. Ngay cả người lớn chúng tôi cũng hạn chế ra ngoài vì cảm thấy lô gia không thực sự an toàn”. Cũng theo ông Thức, đối với các nhà cao tầng nên làm lan can cao trên 1,3m hoặc có đan lưới sắt, như vậy mới bảo đảm.
Quan sát lan can lô gia, chúng tôi thấy phần chân bệ xây cao khoảng 65cm, sau đó cắm lan can sắt. Như vậy vô tình tạo ra những bậc thang cho trẻ em leo lên. Cũng cần nói thêm là, cầu thang bộ những khu nhà này cũng không có cửa khóa, chấn song thưa, cầu thang dốc trong khi trẻ em vẫn thường chơi đùa tại đây. Các tài liệu dẫn ở trên của TCXDVN là bộ quy chuẩn được xây dựng từ những năm 1986, 1987, 1988... Như vậy, liệu có thể có những tiêu chuẩn đã không còn phù hợp ?
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Đỗ Gia Phan: Mọi tiêu chuẩn đều phải nhằm phục vụ lợi ích, sự an toàn của người sử dụng và phải được xây dựng dựa trên những đảm bảo về quyền của người tiêu dùng. Các tiêu chuẩn của kĩ thuật về xây dựng của chúng ta rất chung chung và ít đề cập đến việc áp dụng cho trẻ em, mặc dù trẻ em là một đối tượng tiêu dùng đặc biệt quan trọng và cần quan tâm điều chỉnh nhiều hơn so với người lớn.
Theo Trường Giang - Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: