Khu công nghiệp Bắc Thăng Long là một trong những khu hoạt động hiệu quả nhờ có qui hoạch hợp lý Ảnh: Thanh Hải |
Những qui định về lập qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn phức tạp, chồng chéo khiến công tác quản lý đất đai chưa đạt hiệu quả. Những vấn đề này được đưa ra bàn tại hội thảo "Qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất" tổ chức cuối tuần qua.
Quản lý đất đaichưa hiệu quả
Đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, ngoài nhữngrắc rối về qui định lập qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất vẫn còn rườm rà, phức tạp, chưa thực sự cải cách thủ tục hành chính, gây cản trở cho quá trình thực hiện dự án đầu tư.
Ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học Đất Việt Nam cho biết thêm, nhiều nơi buông lỏng quản lý đã tự phát chuyển mục đích sử dụng đất. Nhiều địa phương chạy theo các lợi ích kinh tế, muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên cho phép thu hồi san lấp mặt bằng một lượng lớn đất nông nghiệp để thành lập các khu công nghiệp. Nhưng vì thiếu vốn, nhiều dự án chỉ hoạt động cầm chừng. Đa số các khu công nghiệp đều bám vào các đường giao thông huyết mạch đi qua những vùng nông nghiệp trù phú. Đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng lại bị sử dụng phí phạm, tác động trực tiếp đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.
Giải thích về việc nhiều địa phương có xu hướng chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp vượt chỉ tiêu qui hoạch đặt ra, một chuyên gia cho rằng, nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư trên đất nông nghiệp vì đất nông nghiệp đền bù rẻ. Các tỉnh, thành lại mong muốn có nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư nên dù có qui hoạch, có kế hoạch sử dụng đất lâu dài nhưng vẫn tiến hành điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Giải pháp nào?
Nhằm khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chuyên gia cho rằng, cần phải đổi mới công tác qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần sửa đổi Luật Đất đai 2003 đạt hiệu quả cao. Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý Đất đai, phải làm rõ khái niệm về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bởi việc này liên quan đến pháp luật về đầu tư, qui hoạch xây dựng. Vai trò của qui hoạch đất sẽ được nâng cao khi đó là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Về thời gian lập qui hoạch sử dụng đất, các ý kiến cũng cho rằng, hạn 10 năm lập lại qui hoạch đất rất tốn kém, mâu thuẫn với thời hạn giao đất, cho thuê đất lâu dài 50 - 70 năm, gây tâm lý không ổn định cho người được thuê đất. Nhiều chuyên gia kiến nghị, việc xét duyệt qui hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định và phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh xét duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm trong kế hoạch 5 năm.
Việc qui hoạch sử dụng đất đô thị cũng là vấn đề được đông đảo các nhà khoa học quan tâm. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch & Phát triển Đô thị Hà Nội đề xuất kế hoạch sử dụng đất phải được xây dựng từ qui hoạch đô thị, phải tuân thủ qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của quốc gia.
* Theo Bộ TN&MT, qua kiểm tra, đã phát hiện 103 tổ chức sử dụng đất sai mục đích với diện tích 83,41 ha; 171 tổ chức chưa đưa 1.417,1 ha đất vào sử dụng; 177 tổ chức đã lấn chiếm đất hoặc để đất bị lấn chiếm 509,72 ha...
* Việc quản lý, sử dụng đất thông qua công cụ qui hoạch sử dụng đất vừa đảm bảo quĩ đất phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quĩ đất sử dụng phù hợp cho từng giai đoạn và lâu dài.
Ông Đào Trung Chính - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: