Tình hình buông lỏng quản lý, nôn nóng chạy theo các lợi ích kinh tế ở nhiều địa phương, tự phát chuyển mục đích sử dụng đất, tạo ra sự rối loạn trong sử dụng đất, để lại tác động rất xấu đến môi trường hiện đang nhức nhối hơn cả.
Quy hoạch sử dụng đất là một công cụ chỉ báo, quản lý quan trọng để đảm bảo cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, công tác này thời gian qua mới mang tính hình thức khi quy hoạch sử dụng đất chậm và lạc hậu đáng kể so với tình hình sử dụng.
Lạc hậu với tốc độ phát triển đô thị
Tình trạng kiểm soát chưa chặt chẽ, chưa tiết kiệm và hiệu quả về sử dụng đất đai là ý kiến đánh giá chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2003 về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất do Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cuối tuần qua.
Ở khía cạnh phát triển đô thị, mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, vẫn vạch ra nhiều bất cập của vấn đề sử dụng đất. Điển hình là trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 có dự báo, đến năm 2010, diện tích đô thị khoảng 243.000 ha, chiếm 1,4% diện tích cả nước. Nhưng thực tế chỉ đến năm 2005, diện tích đô thị cả nước đã là trên 325.000 ha, vượt quá 1,8 lần so với dự báo diện tích đất đô thị đến năm 2010.
Sự thiếu chính xác và lạc hậu của số liệu thống kê tình hình sử dụng đất cũng được TS. Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đồng quan điểm.
TS. Chinh phản ánh, theo số liệu thống kê đến ngày 1/1/2010, đồng bằng sông Hồng còn hơn 20.000 ha đất bằng chưa sử dụng, trong đó Hà Nội còn gần 4.300 ha, Hải Phòng còn hơn 2.400 ha, Nam Định còn hơn 4.100 ha, Ninh Bình còn gần 5.000 ha, Thái Bình còn gần 1.700 ha... "Song qua thực tế quy hoạch nông nghiệp ở các địa phương, chúng tôi thấy các tỉnh trên không còn diện tích chưa sử dụng".
Vị Viện trưởng kiến nghị, về chỉ tiêu đất chưa sử dụng, cần áp dụng phương pháp khoa học Viễn thám, GIS để đưa ra chỉ tiêu chính xác hơn.
Lo thiếu đất trồng lúa
Phát triển đất đô thị ngoài dự báo đã tác động nhiều đến đất nông nghiệp, nhất là đất lúa. Với Hà Nội là minh chứng rõ nhất. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu bật, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001- 2010 của Hà Nội (tính theo ranh giới đã mở rộng), hiện trạng đất nông nghiệp, lúa nước, đất trồng cây lâu năm, đất rừng năm 2000 là gần 204.000 ha và theo quy hoạch được Chính phủ duyệt đến 2010 còn xấp xỉ 173.000 ha. Dễ thấy, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng là khoảng 31.000 ha, nhưng đến đầu năm 2010 chỉ chuyển được hơn 49% kế hoạch, tức vào khoảng hơn 15.000 ha.
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, đất lúa nước giai đoạn 2001-2010 được chuyển mục đích là hơn 16.000 ha, nhưng đến đầu 2010 lại chuyển mục đích được khoảng 18.500 ha, tăng 15% so với kế hoạch.
"Ở đây thấy rõ chưa có sự tương tác giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị" - ông Nghiêm bình luận.
Đáng ngại hơn, quyết định phê chuẩn điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2050 của Chính phủ (QĐ 445/QĐ - TTg ngày 7/4/2009) đã định hướng phát triển với tốc độ đô thị hóa còn nhanh hơn cả giai đoạn 10 năm vừa qua.
Lộ trình theo đó được xác định, năm 2015, dân số đô thị khoảng 35 triệu, tỷ lệ đô thị hóa là 38% với nhu cầu đất xây dựng đô thị là 335.000 (chiếm 1,06% diện tích cả nước). Năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 45% với nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000 ha (chiếm 1,3% diện tích cả nước) và năm 2025, các con số này lần lượt là 52 triệu người, tốc độ đô thị hóa 50%, nhu cầu sử dụng đất khoảng 450.000 ha (chiếm 1,4%).
Để đạt được quỹ đất đô thị như định hướng trên, xu thế sẽ là tiếp tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Đối với các đô thị lớn thì xu thế chuyển hóa đất nông nghiệp ven đô, ngoại thành sẽ càng thấy rõ.
Trường hợp Hà Nội, trong xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 10 năm từ 2010-2020, dự kiến sẽ chuyển đổi gần 37.000 ha đất nông nghiệp sang đất đô thị (trong đó có gần 23.000 ha đất lúa nước, gần 2.500 ha đất trồng cây lâu năm..). Nếu các ban ngành chức năng liên quan không sớm tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục thì tình trạng sử dụng đất không tuân thủ quy hoạch, định hướng, tốc độ xâm phạm đất lúa còn tăng mạnh hơn trong 10 năm tới - ông Nghiêm khuyến cáo.
Lãng phí và vô lý
Sản xuất nông nghiệp còn manh mún trên 70 triệu thửa đất; diện tích đất lâm nghiệp tuy có tăng nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị tàn phá; đất giao thông còn thiếu so với nhu cầu phát triển, mật độ quốc lộ còn ở mức rất thấp so với khu vực (0,053 km/km2, trong khi Trung Quốc, Thái Lan là 0,2-0,11 km/km2); diện tích đất công nghiệp tuy tăng nhanh (khoảng 7.000 ha/năm) nhưng còn dài trải, thiếu thống nhất; đất phát triển đô thị tăng rất nhanh nhưng cơ cấu sử dụng chưa hợp lý, đất ở chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là đất làm nhà ở theo gia đình độc lập - là những tồn tại trong sử dụng đất phổ biến trên phạm vi cả nước được GS. Tôn Gia Huyên từ Hội Khoa học Đất Việt Nam, đúc rút.
Thực trạng của Hà Nội như phân tích của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đã rất đáng quan ngại, nhưng theo GS. Tôn Gia Huyên, thì tình hình buông lỏng quản lý, nôn nóng chạy theo các lợi ích kinh tế ở nhiều địa phương, tự phát chuyển mục đích sử dụng đất, tạo ra sự rối loạn trong sử dụng đất, để lại tác động rất xấu đến môi trường hiện nay còn nhức nhối hơn cả.
"Nhiều nơi muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng một lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, dịch vụ. Sau đó do thiếu vốn nên các dự án hoạt động cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang trở thành "dự án treo".
Hầu hết khu công nghiệp đều bám vào các đường giao thông huyết mạch đi qua những vùng nông nghiệp trù phú, hàng vạn ha đất "bờ xôi ruộng mật" bị sử dụng phí phạm, tác động trực tiếp đến công ăn, việc làm, thu nhập và đời sống của hàng chục vạn hộ gia đình nông thôn và hàng triệu lao động nông nghiệp. Đe dọa mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia".
Trước hàng loạt thách thức đặt ra trong phát triển, tăng trưởng kinh tế khi dân số cả nước dự báo sẽ có 110-115 triệu người, trong đó 55% dân sống trong đô thị vào năm 2030, GS Huyên đặc biệt nhấn mạnh, công tác quy hoạch sử dụng đất phải ưu tiên và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa.
Ông phân tích, quỹ đất lúa hiện nay của Việt Nam vào khoảng 4.1 triệu ha với năng suất bình quân chỉ bằng 75-77% của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong vòng 20 năm tới, để đảm bảo mục tiêu phát triển và đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, dự báo sẽ phải tiếp tục chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp khoảng 450 - 500.000 ha đất trồng lúa.
Nếu muốn đến năm 2030, chúng ta có được 46-49 triệu tấn lương thực, trong đó có 43-44 triệu tấn tóc để đạt mức bình quân trên 350 kg/người/năm cho 110-115 triệu dân, thì phải có ít nhất 3,8 triệu ha đất trồng lúa với hệ số sử dụng đất là 1,95 và năng suất phải đạt 62 tạ/ha, tương đương với năng suất lúa của Nhật Bản hiện ngay.
"Với tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng để khai thác thêm hàng trăm nghìn ha đất trồng lúa, từ nay đến năm 2030, sẽ rất khó khăn để duy trì được con số 3,8 triệu ha tổng diện tích đất lúa nước".
Vị chuyên gia bày tỏ tâm huyết: "Bảo vệ đất trồng lúa không chỉ có ý nghĩa đảm bảo an ninh lương thực mà còn là việc duy trì nền văn minh lúa nước mà dân tộc Việt Nam đã dày công xây dựng hàng ngàn năm mới có và đang trở thành một thương hiệu trong thời hội nhập. Đây cũng là quá trình đấu tranh gay gắt để hài hóa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa lợi ích cục bộ và lợi ích toàn cục, giữa lợi ích kinh tế và lợi ích văn hóa - xã hội.
Hệ thống pháp luật, kỹ thuật có thể góp phần tích cực để xử lý mối quan hệ này. Theo đó, từng mét vuông đất lúa đều phải được tính toán để sự dụng với hiệu quả cao nhất; có sự đầu tư xứng đáng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo cho người trồng lúa có thu nhập xứng đáng và cuộc sống sung túc cả về vật chất là tinh thần".
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: