Một cao ốc đang được thi công tại Khu đô thị Mỹ Đình. Ảnh: Thành Công |
Thay vì báo cáo thành tích triển khai được bao nhiều mét vuông nhà ở, bán được bao nhiêu căn hộ, biệt thự… trong 6 tháng đầu năm, gần đây, tại nhiều hội nghị, doanh nghiệp ngành xây dựng luôn than thở rằng, đang gặp khó khăn, vì thiếu… vốn.
Câu chuyện đồng vốn
Nếu như ở trong thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) "nóng", mọi người đổ xô tìm kiếm cơ hội làm giàu, thì nay, ít người ngó ngàng tới mảnh đất đầu tư màu mỡ một thời. Cùng với chính sách thắt chặt tín dụng, càng làm cho nguồn vốn chảy vào BĐS vơi dần. Viện dẫn cho điều này, đại diện Tập đoàn Sông Đà cho biết, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn thấp hơn hẳn so với kế hoạch, bởi chủ đầu tư các công trình mà tập đoàn đang thi công thiếu vốn thanh toán, cố tình trì hoãn việc thanh toán. Dẫn tới công nợ của tập đoàn đang ngày một phình ra. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 15.600 tỉ đồng, vốn Nhà nước 4.600 tỉ đồng mà hiện nay Sông Đà đã đầu tư 8.000 tỉ đồng. Trong khi đó, dở dang công nợ quá lớn, đã lên tới 5.500 tỉ đồng.
Đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho hay: "Đi vay lúc này cũng chỉ để cầm chừng. Lợi nhuận chỉ có vài phần trăm thì lấy đâu ra tiền để trả lãi trên 20%. Thắt chặt tín dụng mà dẫn đến sản xuất đình đốn thì không hợp lý…".
Chia sẻ với các doanh nghiệp khác, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) Nguyễn Đăng Nam cho rằng, chưa bao giờ các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư BĐS lại khó khăn như thời điểm này. Các doanh nghiệp hiện đang chịu tác động kép bởi ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn chưa chấm dứt thì lại phải đối mặt với lạm phát tăng cao, chi phí xây dựng biến động, việc huy động vốn vào sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ. "Chỉ sau một thời gian ngân hàng siết chặt tín dụng, áp dụng lãi suất ở mức cao thì gần như ngay lập tức chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Kéo theo đó là tình trạng suy giảm, đóng băng của thị trường BĐS khiến nguồn vốn huy động từ dân chúng càng khó khăn..." - ông Nam nói.
Đợi… vài năm nữa?
Đã có rất nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đang "đói vốn". Điều mà các chủ đầu tư mong muốn là sớm được nới lỏng thắt chặt tín dụng cho vay BĐS, để khơi thông nguồn vốn. Song, phía Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, ít nhất là cho đến cuối năm nay.
Trước tình cảnh này, các chuyên gia cho rằng, để có vốn, một mặt, phải khơi thông nhiều kênh vốn khác cho BĐS như vốn FDI, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân... Cùng với đó, về lâu dài, cần thành lập Quĩ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà, góp phần kích cầu trên thị trường. Đồng thời, phải nghiên cứu thí điểm thành lập Cơ quan tài trợ thế chấp và mô hình Quĩ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.
Trong giai đoạn trước mắt, thị trường BĐS vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nên từ nay cho đến quí II/2012, thị trường vẫn chưa thể phục hồi. Do vậy, giá nhà, đất sẽ còn giảm nữa. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng, trước mắt, Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô không tác động gì nhiều đến thị trường. Song, ông Võ nhận định: Về tương lai, chắc chắn giá BĐS sẽ phải giảm về mức bình thường, nhưng tất nhiên, nó cũng phải qua tình trạng ít giao dịch và nguội lạnh như bây giờ. Tuy nhiên, lúc nào giảm về được phù hợp với mức sống của người lao động thì cũng có thể nằm trong vòng 10 - 15 năm, cũng có thể 30 hay 50 năm. Điều này khó có thể dự báo được.
Giá nhà ở Việt Nam hiện nay đang cao gấp 25 lần giá tiền thu nhập một năm của một người lao động trung bình, trong khi ở các nước phát triển thì tỷ lệ này là 4 lần; các nước chậm phát triển tỷ lệ này là 2 lần. Điều này rất bất hợp lý.
Ông Đặng Hùng Võ Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: