Top

Quy hoạch đất đô thị: Mạnh ai nấy làm

Cập nhật 09/08/2011 13:10

Theo các chuyên gia quy hoạch, hiện nay quy hoạch đất đô thị đang đối mặt với rất nhiều vấn đề bất cập như lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đô thị không trùng khớp với quy hoạch đô thị, diện tích đất đô thị vượt quá nhiều so với dự báo, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ trong vấn đề sử dụng đất…

Theo thống kê mới nhất Bộ Xây dựng, cả nước 1 tháng lại thêm một khu đô thị mới cấp phép đầu tư. Dự tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 950 đô thị, mức độ đô thị hóa khoảng 45% với diện tích là 1,7 triệu ha. Tính đến năm 2030, với 55% dân số sống ở đô thị, diện tích đất phải tiếp tục chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp để đảm bảo công nghiệp hóa là 450 - 500ha, do đó, đất đô thị sẽ phải mở thêm 2 triệu ha.

Bên lề cuộc hội thảo của Tổng cục quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia quy hoạch cho biết, theo kết quả điều tra, hiện đất trồng lúa đang chịu sức ép lớn của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Hiện cả nước có trên 4 triệu ha. Trong 20 năm tới, khoảng 500.000 ha đất lúa sẽ phải chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp nên rất khó duy trì 3,8 triệu ha đất lúa.

Thế nhưng, có điều bất cập chỉ tính riêng Hà Nội đang có hàng trăm đô thị “hoang” trong đó dự án ít rộng 20 ha, dự án nhiều lên đến vài trăm ha đất. Nhiều dự án đã thu hồi của dân từ nhiều năm 5 -10 năm xong không đi vào triển khai thực hiện khiến diện tích đất hoang hóa lớn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đặc biệt đối với đất nông nghiệp.

Lý giải tình trạng trên, TS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, nhiều chủ đầu tư muốn đầu tư trên đất nông nghiệp vì đất nông nghiệp rẻ. Còn tỉnh thành mang tâm lý sợ lỡ mất cơ hội nên dù có quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất lâu dài nhưng vẫn tiến hành điều chỉnh cho chuyển đổi mục đích sử dụng cục bộ.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và cấp tỉnh là một trong các căn cứ để lập quy hoạch đô thị. Việc lập quy hoạch sử dụng đất phải được tuân thủ cách nghiêm ngặt theo các quy trình quy chế để đảm bảo các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và an ninh lương thực…Thực tế, trên thực tế hiện nay, kỳ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nhiều nơi không trùng hợp với quy hoạch đô thị nhất là trong bối cảnh các đô thị có xu hướng mở rộng nhiều đô thị đang phát triển theo cấu trúc mô hình chùm đô thị do vậy có tồn tại ngoại thành, ngoại thị. Hiện tượng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đặc biệt vùng ven đô đang rất cần quản lý chặt chẽ mà biện pháp quản lý chặt chẽ là xác định rõ, phân công, phân cấp quản lý các cấp.

Đồng quan điểm, ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Nhiều địa phương do buông lỏng quản lý đã tự phát chuyển mục đích sử dụng đất tạo ra tình hình rối loạn trong sử dụng đất và tác dụng xấu đến môi trường.

Một số nơi nôn nóng trong phát triển chạy theo các lợi ích kinh tế, muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng một lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, dịch vụ, sau đó do thiếu vốn nên các dự án hoạt động cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang trở thành “dự án treo”.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia