Top

Chính sách "đẩy" giá bất động sản lên cao?

Cập nhật 09/08/2011 10:10

"Từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản TP. HCM sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, có thể nhiều DN bất động sản sẽ phá sản". Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TP. HCM tại hội thảo "Những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản hướng tới an sinh xã hội" được tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.

Theo ông Châu, từ đầu năm 2011 đến nay, thị trường bất động sản TP. HCM lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn. Giá đầu vào tăng, trong đó lớn nhất là chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, giá nguyên vật liệu đầu vào như xi măng, sắt thép, xăng dầu, điện, giá nhân công… đồng loạt tăng cao. Thêm vào đó, lãi vay quá cao khiến chi phí bị đội lên rất nhiều. Trong khi đó, giao dịch sụt giảm mạnh, có DN không bán được hàng, bị mất khả năng cân đối tài chính.

"6 tháng đầu năm, toàn TP. HCM chỉ có 5 dự án được thi công, 1.691 căn hộ cung ứng cho thị trường. Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay", ông Châu cho biết. Theo ông Châu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là do chính sách tín dụng bị thắt quá chặt, lãi suất tăng cao, dẫn đến cả DN và người tiêu dùng không tiếp cận được nguồn vốn. Một nguyên nhân khác, đó là do sự đầu tư "lệch pha" của nhiều DN dẫn đến cơ cấu sản phẩm không hợp lý.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Hưng Gia Việt nhận xét, mấu chốt của khó khăn hiện nay vẫn là chính sách tín dụng bị siết chặt. "Việc hạn chế tín dụng trong bối cảnh lạm phát tăng cao là điều khó tránh được, song theo tôi, việc hạn chế cho vay cần phải có sự phân loại", bà Hương nói và cho rằng, cần hỗ trợ cho những người có nhu cầu nhà ở thực sự được vay vốn để mua nhà thông qua hình thức bảo lãnh của ba bên là chủ đầu tư, các DN quản lý người lao động (tức người mua nhà) và ngân hàng. Thực tế, người có nhu cầu nhà ở tại TP. HCM là rất lớn, nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ các ngân hàng, các đối tượng này không thể có đủ khả năng để mua nhà. Nếu vấn đề này được giải quyết, không những người có nhu cầu nhà ở được an cư, mà các DN bất động sản cũng sẽ vượt qua được khó khăn.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, bất động sản là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đến sự phát triển chung của đất nước, nhưng Chính phủ không thể có đủ tiền tài trợ cho thị trường bất động sản, mà chỉ có thể tài trợ bằng chính sách thuế, chính sách tài chính… Song, rắc rối của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn cung còn nhiều hạn chế. "Nếu so với nguồn cầu thì cung chưa đáng là bao. Điều này khiến bất động sản Việt Nam được liệt vào một trong 10 quốc gia có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới", ông Nghĩa nói và nhận định, nguồn cung bất động sản hiện nay không theo quy luật của thị trường, mà bị phụ thuộc vào yếu tố quy hoạch và "chạy" dự án.

Theo ông Nghĩa, hiện có một số dự án ở TP. HCM có giá bán chỉ bằng 1/2 so với giá trị thực. Trong khi đó, vấn đề chính sách đã đẩy giá lên 2,7 lần. "Do vậy, so với chi phí đầu tư, tôi cho rằng, giá bất động sản sắp tới sẽ tăng lên rất nhiều, đặc biệt là khi các quy định về đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường trong Nghị định 69 được áp dụng", ông Nghĩa nhấn mạnh và dự báo, đến tháng 9 năm nay, lãi suất sẽ giảm, khi đó, thị trường bất động sản sẽ được giải tỏa dần dần.

PGS, TS Nguyễn Xuân Trình, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP. HCM) cho hay, với mức giá nhà, đất như hiện nay, nếu đúng nghĩa là người thu nhập thấp thì phải mất hàng trăm năm nữa họ mới mua được nhà. Để thực hiện được mục tiêu an sinh xã hội, Nhà nước cần xây dựng căn hộ để cho người dân thuê. Khi có đủ tiền, họ sẽ đi mua nhà và căn hộ đó sẽ dành cho người khác thuê lại. "Thực tế ở nước ngoài, căn hộ cho thuê được phát triển mạnh để đáp ứng cho những người thu nhập thấp", ông Trình nói và đề xuất, để giảm giá thành, Nhà nước cần có chính sách giảm tiền sử dụng đất, chi phí vốn, chi phí quản lý, đầu tư hạ tầng và thủ tục hành chính nhanh gọn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận, hiện nay thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, từ các vấn đề liên quan đến chính sách đến chiến lược đầu tư của các DN vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. "Nhu cầu sử dụng nhà có diện tích từ 80 - 100 m2 rất lớn, nhưng DN lại đi đầu tư nhà có diện tích từ 120 - 150 m2 với giá quá cao thì làm sao bán được", ông Nam nói.

Ông Nam cho hay, những vấn đề được các đại biểu phản ánh tại hội thảo liên quan đến chính sách như quy định đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường, thuế…, Bộ Xây dựng sẽ tập hợp và kiến nghị với Chính phủ trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán