Top

Đòi hỏi cao về cơ sở hạ tầng

Cập nhật 07/02/2009 09:50

Việt Nam phải có động thái nhất định đối với vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm giữ vững tính cạnh tranh. Đó là khyến nghị của ông Rupert Chamberlain, Giám đốc bộ phận Dịch vụ tư vấn tài chính của KPMG Việt Nam sau khi cuộc khảo sát toán cầu về cơ sở hạ tầng của KPMG với các lãnh đạo DN hàng đầu thế giới có kết quả.

Ông Chamberlain khẳng định, yếu kém về cơ sở hạ tầng là thách thức đối với Việt Nam. "Tuy nhiên, đây không phải là thách thức duy nhất. Vấn đề mà lãnh đạo các DN mong muốn có được từ phía Chính phủ là chính sách kêu gọi và tối ưu hóa nguồn vốn cả trong và ngoài nước nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho các DN, đồng thời đảm bảo nhu cầu phát triển xã hội của quốc gia", ông Chamberlain nói.

Cần phải làm rõ thêm là với quan điểm khá đồng nhất khi lãnh đạo các DN cho rằng, chất và lượng của cơ sở hạ tầng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tại nơi các DN này có trụ sở và mở rộng kinh doanh, vấn đề của Việt Nam trong tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn ở bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang chưa tìm thấy đáy càng trở nên nặng nề. Hơn thế, hệ thống đường giao thông và nguồn cung cấp điện là những nhu cầu hạ tầng cấp thiết đối với DN cũng là những điểm yếu lớn nhất của cơ sở hạ tầng Việt Nam ít nhất trong vòng 5 năm tới.

Tuy vậy, cuộc khảo sát cũng cho thấy lợi thế của Việt Nam là không nhỏ trong đánh giá của lãnh đạo các DN. Ông Lieven Jacquemyn, Giám đốc Nhóm dự án và tư vấn cơ sở hạ tầng toàn cầu của văn phòng KPMG tại Singapore nói: "Các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á mà chúng tôi từng tiếp xúc đều đánh giá Việt Nam là một thị trường vượt trội, một phần là nhờ môi trường chính trị ổn định, điều vốn rất cần thiết để tiến hành đầu tư tài trợ các dự án dài hạn. Năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã có những bước đi nhằm khuyến khích xây dựng môi trường tích cực và minh bạch cho đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Việt Nam chắc chắn là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư".

Ông Nick Chism, lãnh đạo bộ phận tư vấn về cơ sở hạ tầng toàn cầu của KPMG cho rằng, khi các chính phủ trên toàn cầu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, việc đầu tư cho hạ tầng để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh chủ chốt sẽ tạo ra thế mạnh. "Cải thiện cơ sở hạ tầng không chỉ thu hút DN, tạo công ăn việc làm và tăng nguồn thu thuế, mà các dự án hạ tầng còn có thể là cú hích cho nền kinh tế nếu được quản lý hiệu quả", ông Chism nói.

Đây là lý do lãnh đạo các DN cho rằng, Chính phủ nên thiết lập quan hệ đối tác với khối kinh tế tư nhân để tài trợ và thực thi các dự án hạ tầng chính. Theo họ, tính khả thi của các cơ chế khuyến khích nằm ở những chính sách cụ thể và kịp thời.

Cần phải nói rằng, mối liên hệ này đang được các DN lớn trông đợi. 81% các nhà lãnh đạo DN khu vực châu Á - Thái Bình Dương được điều tra đều phát biểu rằng, với nguồn ngân sách không đáng kể ở cả cấp quốc gia lẫn địa phương, các chính phủ cần phải tăng cường hợp tác hơn với khu vực kinh tế tư nhân để tìm nguồn tài trợ cho các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng.

Cuộc khảo sát nêu trên cho thấy một đòi hỏi rất rõ ràng từ các nhà lãnh đạo DN toàn cầu khi cho cho rằng, cơ sở hạ tầng có chất lượng là yếu tố quan trọng trong kinh doanh, nhất là trong một môi trường kinh doanh đang ngày càng toàn cầu hóa. Phần lớn (khoảng 77%) lãnh đạo các DN hàng đầu thế giới đã tham gia cuộc khảo sát của KPMG quốc tế cho rằng, mức đầu tư hạ tầng hiện tại là không đủ để duy trì tăng trưởng dài hạn của các công ty. Cho dù mức đầu tư trên toàn cầu từ nay đến năm 2015 ước chừng 2.000 tỷ USD mỗi năm, song khoảng 84% các lãnh đạo DN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ quan ngại cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Chỉ có khoảng 14% tin rằng, cơ sở hạ tầng hiện tại là hoàn toàn đủ để hỗ trợ hoạt động các công ty của họ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán