Top

Nhà giá thấp lên ngôi

Cập nhật 07/02/2009 08:20

Năm 2009 được các chuyên gia bất động sản (BĐS) nhìn nhận sẽ là năm thị trường BĐS đi vào thực chất, với việc hàng loạt các dự án nhà ở có quy mô trung bình, vừa túi tiền người tiêu dùng sẽ lên ngôi.

Có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy sự ấm lên của thị trường, như nhận định sáng sủa của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: "VN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ là những thị trường có cơ hồi phục nhanh do cầu vô cùng lớn, cùng những chính sách kích cầu có định hướng của Chính phủ nhằm khởi động thị trường này".

Để "cầu" gặp "cung"


Ông Nguyễn Hiệp - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Phát triển nhà và đô thị (HUD)- Bộ Xây dựng- nhận định: "Sau thời kỳ bong bóng của thị trường nhà đất với sự đổ bể của hàng loạt dự án BĐS bị đẩy giá lên cao, giờ là lúc các nhà đầu tư (NĐT) phải chuyển hướng vào các dự án chung cư loại trung bình, phù hợp với đối tượng người có nhu cầu thực sự về nhà ở".

Thực tế, sau 3 năm đầu tư nhà ở có mức giá trung bình (từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/căn hộ), đây vẫn là phân khúc thị trường giàu tiềm năng và hấp dẫn. Năm 2009, HUD dự định tiếp tục đầu tư một số khu đô thị (KĐT) mới là Thanh Lâm- Đại Thịnh 2 (Mê Linh- HN) quy mô khoảng 5ha; KĐT mới Thanh Mỹ (Bình Dương) 3,5ha... để trong vòng vài năm tới sẽ có quỹ nhà ở khoảng 2.000 căn hộ đưa ra thị trường.

Chọn thời điểm để ra mắt sàn giao dịch BĐS Viglacera (thuộc Tổng Cty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng) ngày 4.2, trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn đang trầm lắng, song ông Đào Đình Thi - GĐ Cty kinh doanh BĐS Viglacera - rất lạc quan cho rằng: "Đây là cơ hội cho cầu gặp cung. Sàn giao dịch Viglacera với nguồn hàng phong phú, chủ yếu là các dự án do Viglacera đầu tư, xây dựng, với giá cả hợp lý, thông tin minh bạch - sẽ là sự lựa chọn tin cậy cho các NĐT và những người có nhu cầu về nhà ở.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định: "Xét trên quy luật cung- cầu, thì nhu cầu nhà ở hiện vô cùng lớn". Để định hướng thị trường, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ đề án nhà ở giá rẻ, trong đó tạo mọi ưu đãi về tín dụng, đất đai cho NĐT và người có thu nhập thấp để tiếp cận dự án. Trong đó, đề xuất mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động vốn từ chính người dân.

Theo tính toán, với 25-30 triệu người dân đô thị hiện nay, nhu cầu về nhà ở lên tới 10 triệu căn, thì phải mất khoảng 7-10 năm mới lấp đầy nhu cầu này và dự kiến, nguồn vốn phải bỏ ra lên tới 50.000 tỉ đồng. Nếu mỗi người lao động hàng tháng dành ra một khoản từ 3-5% thu nhập để tham gia vào Quỹ đầu tư phát triển nhà ở theo hình thức gửi tiết kiệm, thì mỗi năm đã có thể dành ra 10.000 tỉ đồng để đầu tư và mục tiêu "cung- cầu" gặp nhau sẽ sớm thành hiện thực.

Khó khăn vẫn còn


Để đầu tư nhà ở xã hội, theo ông Nguyễn Hiệp - Chủ tịch HĐQT HUD - các NĐT đang chờ cơ chế. Sở dĩ nhiều dự án vẫn đang vừa làm, vừa dò, vì chính sách ưu đãi cho DN đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn. NĐT vẫn phải trả tiền sử dụng đất, tiền đền bù GPMB ngang bằng với các dự án nhà cao cấp, trong khi giá bán nhà lại thấp hơn. Thêm vào đó, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng tại các chung cư giá thấp cũng là những trở ngại trong việc thu hút dân cư sống ở các khu đô thị ven đô.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN - cho biết: "Nhiều địa phương hiện đã ban hành giá đất mới, khá cao - có nơi tăng gấp đôi so với trước - sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí đền bù, từ đó ảnh hưởng đến chi phí đầu tư. Giá đất đền bù lại được quy định theo giá thị trường, chứ không căn cứ vào khung giá, nên chủ đầu tư các dự án nhà chung cư rất khó tiên liệu được chi phí".

Nên chăng cần quy định hệ số đền bù. Thủ tục hành chính cũng là một rào cản lớn, trước đây để đầu tư dự án, chủ đầu tư phải mất trung bình 2-4 năm chuẩn bị thủ tục mới có thể động thổ.

Năm 2009, giá nhà đất sẽ tiệm cận với giá trị thật hơn, song nhiều NĐT lo ngại phải đối mặt với Luật Thuế thu nhập cá nhân, Thuế Thu nhập nhà đất dự kiến sẽ được áp dụng. Nếu việc tính thuế chuyển nhượng nhà đất từ mức 2% hiện nay tăng lên mức 25% chênh lệch giữa giá mua và giá bán theo dự thảo Luật Thuế thu nhập nhà đất, thì thị trường lại tiếp tục rơi vào cảnh "chợ chiều".

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động