Top

Diễn biến mới, cơ hội mới

Cập nhật 09/09/2008 16:00

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam có một số diễn biến mới. Giá nhà, đất sụt giảm, các giao dịch gần như ngưng trệ khiến cho tính thanh khoản của thị trường giảm mạnh.

Thêm vào đó, chính sách tín dụng (đặc biệt là tín dụng BĐS) thắt chặt, lãi suất tín dụng tăng cao khiến cho các hoạt động giao dịch trở nên trầm lắng hơn, thậm chí nhiều nhà đầu tư đã phải rút khỏi thị trường.

Tuy nhiên, diễn biến trên được đánh giá là một cuộc “thanh lọc” giúp cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn, bởi trong nhiều năm qua, có tới 80-90% tổng số giao dịch BĐS mang nặng mục đích đầu cơ, nên thị trường BĐS Việt Nam đã ẩn chứa không ít yếu tố bất thường.

Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường BĐS hiện không có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn, trong khi đó lại đang mở cửa rất rộng cho các nhà đầu tư dài hạn với nguồn lực và tiềm lực tài chính vững vàng. Trên thực tế, với thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, khoảng 60-70% lượng vốn có nguồn gốc từ vay ngân hàng. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, trong khi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS trong nước đang gặp khó khăn về tài chính thì các DN nước ngoài, các quỹ đầu tư... với lợi thế sở hữu hoặc huy động được nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào đã liên tục gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này.

Vào thời điểm này, mặc dù giá nhà, đất trên thị trường BĐS đã giảm đáng kể, nhưng dự báo giá đất còn tiếp tục có xu hướng giảm vì tình trạng “bong bóng” nhà đất còn khá lớn. Giá đất giảm, một phần còn do việc hàng loạt dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và quy hoạch lớn (như đường cao tốc...) bị chậm lại hoặc ngừng trệ và việc Chính phủ ban hành Nghị định 153 với nhiều quy định chặt chẽ (như phải hoàn thiện hạ tầng mới được bán nhà, quy định về năng lực tài chính...) giúp cho thị trường loại dần những yếu tố ảo. Các chuyên gia cũng cho rằng, đây chính là mặt tích cực của đợt sụt giảm vừa qua, giúp cho giá BĐS dần trở về giá trị thực của nó.

Trong khi đó, chính sách cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư có thời hạn vừa mới được ban hành cũng chưa thực sự giúp cho thị trường mua - bán căn hộ khởi sắc hơn. Cầu còn yếu, trong khi nguồn cung vẫn tiếp tục tăng mạnh nên nhiều khả năng thị trường BĐS sẽ còn khó khăn ít nhất là vào cuối năm nay, thậm chí là sang năm 2009, với xu hướng giao dịch ít, giá giảm và tính thanh lọc nhà đầu tư rất cao.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia lại cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để mua nhà ở vì khách hàng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn; giá nhà đất hiện cũng đã giảm nhiều so với thời điểm đầu năm và đang dần trở về với giá trị thực, hơn nữa trong bối cảnh giá nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao, chi phí đầu tư hạ tầng, xây nhà... cũng tăng đáng kể, nên giá các căn hộ khó có thể giảm hơn nữa trong thời gian tới.

Trái ngược với xu hướng giảm giá của nhà và đất, giá thuê văn phòng cao cấp vẫn đang có xu hướng tăng mạnh do mất cân đối cung - cầu. Theo địa diện của Công ty tư vấn BĐS Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), mặc dù thị trường BĐS trầm lắng, nhưng giá cho thuê văn phòng cao cấp vẫn tăng và dự báo, tình trạng cầu cao hơn cung sẽ còn kéo dài đến năm 2012.

Tuy nhiên, những diễn biến mới trên thị trường BĐS trong thời gian gần đây cũng đã cho thấy những tia hy vọng về sự phát triển của thị trường này trong thời gian tới. Tốc độ lạm phát đang được kiềm chế, nền kinh tế khởi sắc hơn sẽ làm tăng động lực cho sự khôi phục của thị trường BĐS. Ở một góc độ khác, việc gia tăng mạnh mẽ của luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào mảng thị trường này cũng sẽ góp phần làm tan chảy những “tảng băng” được hình thành trong những tháng qua.

Theo Đầu Tư