Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 đặt ra nhiệm vụ to lớn là xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Một trong những giải pháp hướng đến để thực hiện nhiệm vụ trên là TP phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
UBND TP.HCM vừa có báo cáo chuyên đề về các vấn đề liên quan đến mô hình chính quyền đô thị (CQĐT), trong đó nêu rõ những bất cập trong tổ chức và hoạt động của tổ chức chính quyền trên địa bàn TP hiện nay.
TP.HCM tiếp tục đề xuất mô hình CQĐT theo định hướng: CQĐT cấp TP.HCM được xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị và có nhiều đô thị bên trong một đô thị. Bộ máy tổ chức được thiết kế theo đặc điểm địa bàn đô thị, bảo đảm chức năng nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng cộng đồng dân cư và lãnh thổ (tự nhiên, kết cấu hạ tầng…) không bị giới hạn về địa giới hành chính nhân tạo.
Tổ chức hai cấp chính quyền
Về tổng thể, CQĐT TP.HCM có thể được tổ chức thành hai cấp chính quyền hoàn chỉnh (có HĐND và ủy ban hành chính), gồm: Cấp TP.HCM và cấp TP vệ tinh (hay TP khu vực) trực thuộc TP.HCM.
Theo mức độ đô thị hóa hiện nay, TP.HCM hình thành và phát triển theo hướng chia thành ba địa bàn (đã đô thị hóa, đang đô thị hóa và nông thôn) với những yêu cầu khác nhau về mô hình quản lý.
Địa bàn đã đô thị hóa gồm 13 quận nội thành cũ là quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú. Trước mắt, đối với cấp quận, duy trì cấp hành chính như hiện nay (không tổ chức HĐND). Cấp phường cũng được tổ chức như hiện nay. Công chức phường là công chức của quận được phân bổ trên địa bàn phường. CQĐT cấp TP.HCM trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, chỉnh trang và phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội toàn bộ địa bàn này với lộ trình khoảng 10-15 năm. Sau khi hoàn thành sẽ tổ chức lại các đơn vị hành chính trên địa bàn này theo mô hình cấp CQĐT hoàn chỉnh.
Thành phố sẽ chủ động phát triển nhanh và bền vững hơn khi được áp dụng mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: HTD
|
Kiến nghị cho TP được quy định về quản lý nhập cư
Trong giai đoạn chưa thực hiện thí điểm CQĐT, TP.HCM kiến nghị trung ương cho phép được thực hiện thí điểm một số vấn đề. Cụ thể, TP kiến nghị được chủ động, linh hoạt, quyết định về tổ chức, biên chế; thực hiện thí điểm cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập và phù hợp mức sống của TP.
Về xử lý vi phạm hành chính trong đô thị, TP kiến nghị được thí điểm các nội dung như: Quy định về các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh (nhưng chưa được quy định là vi phạm hành chính); quy định mức xử phạt tăng không quá ba lần so với mức quy định chung (thông qua HĐND), về trình tự, thủ tục xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính đặc thù của đô thị; thẩm quyền đề ra các biện pháp quản lý nhà nước trên địa bàn như quản lý nhập cư, quản lý lao động…
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: