Top

'Nhà tái định cư hư hỏng, Sở xây dựng phải có trách nhiệm'

Cập nhật 31/08/2012 08:40

Phó chủ tịch HĐND TP HCM Trương Thị Ánh cho hay, tình trạng nhà tái định cư mau hư hỏng, ngoài chủ đầu tư mua nhà là UBND các quận huyện thì Sở Xây dựng cũng phải gánh một phần trách nhiệm.

Sáng 30/8, đoàn đại biểu HĐND TP HCM làm việc với Sở Xây dựng thành phố về vấn đề tái định cư trên địa bàn. Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, thời gian qua một số nhà tái định cư bị hư hỏng sau khi đưa vào sử dụng như chung cư Tân Mỹ (quận 7), Thạnh Mỹ Lợi (quận 12), chung cư B27 (quận 2)... Sở Xây dựng đã kiểm tra và báo cáo UBND thành phố về tình trạng xuống cấp tại 6 chung cư, nguyên nhân và phương án xử lý.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh kiến nghị HĐND thành lập Trung tâm Quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước để tập trung một đầu mối quản lý, trong đó có nhà ở tái định cư để đảm bảo hiệu quả quản lý sử dụng và thu hồi vốn cho ngân sách; xem xét phân cấp cho Chủ tịch UBND quận, huyện được chủ động mua, điều chuyển, cân đối quản lý sử dụng quỹ đất tái định cư. Mục đích để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các quận huyện trong việc bố trí nhà ở tái định cư, lập kế hoạch đầu tư xây dựng và mua lại quỹ nhà phù hợp với nhu cầu.

Chung cư An Phúc - An Lộc quận 2 mới đưa vào sử dụng năm 2008 đã xuống cấp. Ảnh: SGGP

Trước kiến nghị này, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP Huỳnh Công Hùng cho rằng, việc thành lập Trung tâm Quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước là cần thiết, song hiện UBND thành phố đã có Công ty Quản lý kinh doanh nhà. Vì vậy, cần phải nghiên cứu để 2 đơn vị này không bị chồng chéo và hoạt động hiệu quả.

"Trung tâm Quản lý nhà nước thuộc sở hữu nhà nước cần phải chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý, hoạt động như kiểu hợp tác xã là không nên. Sau này không chỉ có một vài chung cư, mà là cả một hệ thống nhà ở cùng cơ sở hạ tầng thì quản lý làm sao được", ông Hùng nói.

Kết thúc cuộc họp, Phó chủ tịch HĐND TP HCM Trương Thị Ánh ghi nhận sự nỗ lực của Sở Xây dựng trong việc hỗ trợ người dân trên địa bàn tái định cư sau khi bị giải tỏa, thu hồi đất nhưng cho rằng, quận huyện là chủ đầu tư, đại diện nhà nước đi mua nhà tái định cư cho người dân nên phải có trách nhiệm.

"Sở Xây dựng là đơn vị thường trực quản lý về các công trình xây dựng và nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố cũng phải có một phần trách nhiệm đối với công trình bị hư hỏng, xuống cấp", bà Ánh nhấn mạnh và cho hay, sẽ báo cáo UBND TP để tháo gỡ vướng mắc cũng như kiến nghị của Sở trong vấn đề tái định cư.

Tháng 4/2012, thành phố còn 24 dự án với hơn 1.400 hộ tạm cư phát sinh do di dời khẩn cấp khỏi các chung cư hư hỏng nặng, thu hồi mặt bằng gấp để thực hiện dự án trọng điểm của thành phố và do nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận nhà tái định cư, không đủ điều kiện tái định cư hoặc do dự án tái định cư chậm tiến độ.

Năm 2004 - 2012, thành phố đã tạo lập hơn 23.000 căn hộ và nền đất từ 113 dự án, nâng tổng số quỹ nhà tái định cư hoàn thành tính từ khi bắt đầu triển khai chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè là 32.327 căn hộ và nền đất.



DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress