Hàng loạt các lĩnh vực kinh doanh như ôtô xe máy, bất động sản vốn đã gặp khó khăn từ nhiều ngày nay lại thêm khó khăn lớn khi tháng "cô hồn" đến.
Xe máy, ôtô than ngắn thở dài
Một nhân viên bán hàng tại đại lý Honda Kwaitexco (Ngụy Như KonTum, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, lượng khách hàng mua xe giảm mạnh trong hai tuần cuối tháng 8. Lý do: khách kiêng mua sắm do thời điểm này trùng với hai tuần đầu tháng 7 âm lịch, mà dân gian quen gọi là "tháng cô hồn". Nửa tháng qua, mỗi ngày chỉ lác đác vài người đến xem và tìm hiểu về các chương trình khuyến mãi, giảm giá xe. Người mua rất thưa vắng.
Tháng cô hồn năm nào cũng là thời điểm nhu cầu xe máy giảm thấp nhất trong năm, vì người tiêu dùng Việt Nam khá mê tín, cho rằng mua xe trong thời gian này dễ gặp xui xẻo, ra đường dễ bị tai nạn... Chính vì vậy, không thật sự bức thiết, thì phần lớn người tiêu dùng thường chờ qua tháng 7 âm lịch mới mua sắm. Điều này khiến doanh thu của các đại lý xe máy giảm đi trông thấy.
Năm nay, do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu về xe máy đã giảm tới 40% so với các tháng trước. Bước sang "tháng cô hồn", doanh số còn giảm mạnh hơn. Một nhân viên kinh doanh xe máy tại đại lý Yamaha Hồng Hạnh trên đường Bà Triệu (Hà Nội) cho biết, trong 2 tuần qua số lượng xe máy bán ra giảm 30% so với hai tuần trước đó.
Anh Hoàng Mạnh Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Vượng Phát (Hà Nội) - chuyên phân phối xe máy nhập khẩu thương hiệu Sachs (CHLB Đức) - cho biết nói rằng tính doanh số bán xe trong tháng 7 âm thì dự báo rất xấu. Các tháng trước tiêu thụ xe Sachs đạt trên 100 xe thì qua tháng 7 âm lịch, số lượng bán ra dự kiến không đạt con số trên.
Nhiều đại lý xe máy cho biết khách hàng chỉ đến xem chứ không mua do kiêng tháng cô hồn (ảnh minh họa - Tuổi trẻ)
|
Tuy nhiên, kinh doanh thường tính theo dương lịch. Năm nay tháng 7 âm lịch bắt đầu từ ngày 17/8 và kéo dài tới 15/9. Vì thế, nhiều người tránh "tháng cô hồn" nên đã mua xe vào hai tuần đầu tháng 8 và hai tuần cuối tháng 9 dương lịch. Đây cũng là thời điểm học sinh tựu trường nên nhu cầu về xe máy tăng, do vậy nếu tính theo dương lịch thì có thể nói tiêu thụ xe không giảm mà còn tăng chút ít so với những tháng trước đó, anh Khánh nói.
Dạo qua một vòng các cửa hàng, đại lý xe máy dịp cuối tháng 8 đều thấy, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng đang là công việc chính của phần lớn các đại lý cửa hàng xe máy. Kinh doanh rất chậm nên nhiều nhân viên bộ phận kinh doanh đang phải "ngồi chơi xơi nước". Đây là tình cảnh chung của các đại lý bán xe máy tại Hà Nội trong gian đoạn này.
Các đại lý thì cho biết họ như "ngồi trên lửa", bởi lượng xe nhận về đang chất kín kho, trong khi mất tới 4 tuần lên tiếp nhu cầu giảm mạnh, xe đã giảm giá hết cỡ cũng chẳng bán được. Đại diện công ty xe máy Kường Ngân, nhà phân phối chính thức của nhiều hãng sản xuất, cũng cho hay các đại lý xe máy hiện nay đang đứng giữa nhiều "gọng kìm" khi vẫn phải nhập đều sản phẩm từ nhà sản xuất rồi lưu kho, trong khi doanh số bán hàng liên tục sụt giảm mạnh. DN bị ràng buộc bởi điều kiện nếu không nhập hàng đều thì hãng sẽ không cung cấp sản phẩm nữa.
Giá xe máy trên thị trường thời điểm vừa qua có nâng lên, nhưng nay lại phải hạ xuống như cũ. Chẳng hạn mẫu xe Honda Lead cuối tháng 7, đầu tháng 8 dương lịch, một số cửa hàng đã nâng lên thêm 500.000 đồng/xe, từ 35-36 triệu đồng (giá đề xuất 35,5-36,5 triệu đồng), nay phải giảm về 34,5-35,5 triệu đồng. Honda Air Blade cũng tương tự, giá đầu tháng là 36,5-37 triệu đồng (giá đề xuất 38 triệu đồng), thì 2 tuần cuối tháng 8 còn 36,2 triệu đồng. Một số mẫu xe của Yamaha như Nouvo LX 135cc, Cuxi, Mio Classico... lại giảm từ 1 đến 3 triệu đồng/xe. Giá hiện tại của những chiếc xe này lần lượt là khoảng 33,4 triệu, 30 triệu, và 22,5 triệu đồng. |
Các đại lý cho biết, mặc dù liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi như hỗ trợ lệ phí trước bạ, tặng sản phẩm, dịch vụ... cho khách hàng mua xe, song cũng không cải thiện được tình hình.
Khó khăn hơn xe máy là kinh doanh ôtô. Theo ông Hà Minh Tuấn, Giám đốc Công ty kinh doanh xe cũ Anycar, tiêu thụ xe ôtô cũ giảm thấp trong 7 âm lịch. Đây là thời điểm bán hàng kém nhất trong năm bởi nhiều khách hàng có ý định mua xe đều đã tạm dừng hoặc mua trước đó tránh hoàn toàn "tháng cô hồn", chính vì vậy mà doanh số bán của các cửa hàng đều giảm.
Tiêu thụ ôtô mới cũng nằm trong tình trạng chung. Đã 2 tuần nay nhiều đại lý của các hãng Ford, Toyota, Honda, GM... tại Hà Nội cho biết họ chỉ bán được vài chiếc, thậm chí có đại lý còn chẳng được chiếc nào. Các đại lý ôtô khi được hỏi đều lắc đầu ngán ngẩm. Từ đầu năm tới nay doanh số giảm trên 40%, nay vào "tháng cô hồn" chẳng còn biết phải chống đỡ như thế nào.
Tháng 8 cũng là thời điểm "bão" giảm giá ôtô, mà mạnh nhất là giảm tới hơn 200 triệu đồng của Renault Việt Nam; hay 100 triệu đồng cho một số mẫu xe của Trường Hải Auto... nhưng do sức mua thấp, nguy cơ sụt giảm doanh thu ào tháng 7 âm lịch khó tránh khỏi.
Tuy nhiên cũng giống như xe máy, nếu nhìn vào doanh số thì chưa thể nói là có giảm hay không bởi chỉ cần nhu cầu tăng cao vào nửa đầu tháng 8 và cuối tháng 9 dương lịch bù lại thì không vấn đề gì. Người ta sợ nhất là tháng 7 âm lịch trùng với một tháng dương lịch nào đó thì doanh số chắc chắn sẽ giảm thê thảm.
Tại phía Bắc, bất động sản bất động khi tháng 7 âm tới
Bất động sản chật vật
Tháng 7 âm lịch cũng là tháng đại kỵ của dân kinh doanh địa ốc. Nhiều DN cho biết, bước vào "tháng cô hồn", việc kinh doanh gần như đình đốn.
Theo phản ánh của nhiều sàn giao dịch bất động sản, hai tuần cuối tháng 8 này là thời đểm kết quả giao dịch tệ hại nhất của thị trường Hà Nội kể từ đầu năm đến nay. Mặc dù lãi suất đã hạ, đối tượng cho vay mua nhà đất được nới rộng, nhưng thị trường vẫn gần như không có chuyển biến.
Nhiều ý kiến cho biết, thị trường bất động sản đã ảm đạm trong suốt thời gian dài nên tháng 7 âm càng khó có hy vọng và vẫn phải tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm giá bán tại tất cả các phân khúc.
Ông Huỳnh Minh Thành, Phó tổng giám đốc Hanco 9, nhận định, nhà đất vốn là tài sản có giá trị lớn nên người dân thường không vội vàng quyết định mua, nhất là trong "tháng cô hồn". Sản phẩm khó tiêu thụ cộng với khó khăn về tài chính càng làm cho các chủ đầu tư khó khăn thêm.
Các giao dịch giảm mạnh là thông tin từ một nhân viên giao dịch Công ty địa ốc Xanh (Kim Mã, Hà Nội). Theo nhân viên này, công ty đang mở bán một số căn hộ tại tầng 5 tòa nhà Phú Gia đường Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội). Nhà đã gần hoàn thành phần thô, dự kiến cuối năm 2013 giao cho khách hàng. Một số khách cũng tìm đến, nhưng chỉ đặt cọc giữ chỗ chứ nhất quyết không làm hợp đồng cũng không trả tiền trong tháng 7 âm lịch, chờ hết tháng mới tính chuyện.
Nhà là tài sản lớn và nhiều người không thích rước vận rủi khi mua nhà mới, chính vì vậy người ta kiêng cữ rất kỹ càng, chọn ngày đẹp, giờ đẹp để nhận, tất nhiên tháng cô hồn chẳng ai muốn làm việc này cả - nhân viên này ngao ngán.
Hiện có hai xu hướng đang diễn ra trên thị trường bất động sản. Một số DN thì án binh bất động chờ qua thời gian này mới tiếp tục. Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty CP An cư lạc nghiệp, chia sẻ, thời gian này, công ty chủ yếu đưa khách hàng đi tham quan dự án, sau tháng 7 âm lịch mới chính thức mở bán. Một số công ty bất động sản thì tận dụng thời gian này để tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư, giới thiệu dự án.
Tuy nhiên cũng có không ít DN lại tung chiêu khuyến mãi, hạ giá bán để kích cầu, bất chấp mọi e ngại. Tại TP.HCM, công ty địa ốc Khang Gia chọn ngày mùng 9/7 âm lịch (tức ngày 25/8) mở bán 321 căn hộ block 1 chung cư Khang Gia tại quận Gò Vấp. Giá căn hộ hoàn thiện thấp nhất 537 triệu đồng, tương đương 11,2 triệu đồng mỗi m2.
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) chọn thời gian 9-15/7 âm lịch (tức 25-31/8) để mở đợt bán hàng lớn nhất trong năm. Cả 10 dự án được chào bán thời gian này gồm HUD, Biconsi, Đại Nam, Mỹ Phước 3, Nhà phố Gò Dầu, New Sai Gon, Belleza, Sealinks, Everrich, Carillon. Để kích cầu, Sacomreal áp dụng chính sách giảm 4-20% giá thành và tặng sản phẩm trị giá cả trăm triệu đồng.
Còn tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn cầu (GP-Invest) tiếp tục mở bán căn hộ dự án Nam Đô Complex tại số 609 Trương Định, quận Hoàng Mai với giá 22 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT). Hay như Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương cũng vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Đất Xanh miền Bắc đã tổ chức mở bán căn hộ dự án Star City Nha Trang với giá từ 1,2 tỷ đồng/căn.
Không chỉ mở bán, giảm giá mà khách hàng còn dược hưởng không ít ưu đãi khi mua nhà thời điểm này. Một số chủ đầu tư đã cung cấp thêm lựa chọn bàn giao thô hoặc gói nội thất liền tường cơ bản thay vì hoàn thiện đầy đủ, nhằm giảm giá bán lên tới 30%. Đồng thời tận dụng các đợt giảm lãi suất liên tiếp gần đây, đa số chủ đầu tư cam kết hỗ trợ người mua một phần lãi suất vay mua nhà...
Phân tích về việc này, nhiều chủ đầu tư cho biết họ không lo lắng đến tác động của tháng 7 âm lịch đối với thị trường bất động sản vì các sản phẩm chào bán hiện nay cơ bản là những sản phẩm phục vụ nhu cầu thật của người dân. Mà những người có nhu cầu thật thường quyết định mua lúc có nguồn tài chính phù hợp chứ ít khi quan tâm đến thời điểm nào thì nên thực hiện giao dịch.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc mở bán, giảm giá trong tháng 7 âm lịch được xem là ngược với thị trường truyền thống. Lý do các DN làm vậy, có lẽ là họ đã quá mệt mỏi, không thể cầm cự lâu hơn được nữa. Vì vậy, đẩy hàng đi được xem là giải pháp để cắt lỗ, giải tỏa phần nào chi phí tài chính và có điều kiện để cơ cấu lại các khoản nợ.
Mặc dù vậy, thống kê tại một số sàn giao dịch cho thấy, hai tuần qua số lượng giao dịch căn hộ giá rẻ tại thị trường phía Nam có tăng, nhưng với khu vực phía Bắc vẫn chìm trong ảm đạm, giao dịch thành công trong tháng 7 âm lịch rất thấp và kinh doanh đang bị ngưng trệ.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: