Top

Đất Hà Nội chững, Hà Tây rao giá "suông"

Cập nhật 13/03/2008 10:00

Sau khi có thông tin Hà Nội mở rộng "trùm" Hà Tây, nhiều người dân quê lo vội vã chia lô những khu đất vườn, rao bán 15-25 triệu đồng mỗi m2. Lượng khách thăm viếng đông nhưng rất ít giao dịch thành công do giá đất cao bất thường.

Chia 1.000 m2 vườn thành 5 mảnh, quây hàng rào vuông vắn nhưng sau một tháng, anh Trần Thế Trung (xã An Khánh, Hoài Đức) chưa bán được mảnh nào. Khu vườn có vị trí khá đẹp ngay gần khu đô thị An Khánh tưởng sẽ nhanh chóng mang lại cho anh món tiền lớn thì nay đã bắt đầu mọc đầy cỏ dại.

Các lô đất anh Trung rao bán với giá trung bình 22 triệu đồng một m2. Nhiều người lần theo tấm biển bán đất anh treo đầu đường vào hỏi giá nhưng chưa ai mua. Theo anh, nhiều người khen khu đất đẹp, xin cả số điện thoại để tiện liên lạc nhưng rồi cũng mất hút.

Các gia đình trong xã có đất bán cũng không khá khẩm hơn. Lô đất vườn hơn 600 m2 của gia đình chị Mai cũng "đóng băng" khi các khách hàng lắc đầu với mức 18 triệu đồng một m2. Số lượng các vụ giao dịch đất đai thành công ở khu vực này từ lúc ra Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ở các trung tâm môi giới bất động sản và trên các trang web giao dịch nhà đất, giá bán các căn hộ chung cư, nhà liền kề, phân lô hay biệt thự tại tỉnh Hà Tây đều đồng loạt giảm 1-2 triệu đồng một m2. Nhiều lô liền kề TT1 được đánh giá là có vị trí đẹp, tại khu đô thị mới Văn Phú được rao với giá 17 triệu một m2. Đất biệt thự khu Đô thị mới An Khánh, Bảo Sơn có giá khoảng 22,5 triệu một m2.

Từ nửa cuối năm 2007 đến đầu năm 2008, thị trường đất Hà Tây từng là điểm đến hấp dẫn. Hàng loạt các khu đô thị, trung tâm thương mại của các "đại gia" dầu khí, xây dựng, du lịch... được cấp phép. Thông tin về việc địa giới thủ đô sẽ mở rộng khiến Hà Tây càng được xem là khu "đất vàng" trong tương lai. Tuy nhiên, sau một thời gian sốt giá, thị trường bất động sản ở đây đang chững lại. Các vụ giao dịch thành công giảm đáng kể.

Theo các chuyên gia về nhà đất, những người đổ xô vào đầu tư đất ở Hà Tây cuối năm 2007 đa phần là các nhà đầu tư, đầu cơ. Hầu hết không có nhu cầu mua đất ở. Trong số những người này, không ít phải dựa vào các khoản vốn vay từ ngân hàng.

Nhưng thuế luỹ tiến cùng với việc ngân hàng kiểm soát tín dụng bất động sản trở thành hai trong số các nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đua nhau bán tháo. Thị trường bất động sản ở đây chuyển sang trạng thái cung vượt quá cầu. Nhiều người vừa mới vui mừng vì "ôm" được nhiều mảnh đất nay đã méo mặt vì đất bắt đầu sụt giá mà vẫn không bán được, đồng nghĩa với việc món nợ ngân hàng ngày càng lớn.

Ngoài ra, theo các nhà đầu tư bất động sản lâu năm ở Hà Nội, đất Hà Tây chững lại vì giá đang ở mức quá cao. Đơn cử như xung quanh khu đô thị An Khánh, giá hiện nay chỉ hợp lý khi cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thiện. "Với mức 20 triệu một m2 mà ở giữa đồng không mông quạnh, không có chợ, trường học, không biết đường đi ở đâu... thì chả ai ham cả", một nhà đầu tư cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Quản lý và Tiếp thị Bất động sản CBRE đánh giá, thành phố Hà Đông đang là thị trường phụ của trung tâm Hà Nội, đặc biệt là phân khúc nhà ở. Trục đường Láng - Hòa Lạc được quy hoạch để thành hành lang phát triển theo hướng Đông - Tây của Hà Nội.

Nơi đây được dự đoán sẽ trở thành khu đô thị chất lượng cao bởi dự án metro từ Hà Nội đến Hà Đông đang đợi phê duyệt, cùng với khoảng 130 dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc lập kế hoạch. Ông Renato Shordon, Phó giám đốc Công ty CB Richard Ellis Việt Nam đánh giá: "Hà Tây sẽ lại là điểm nóng trong năm nay".

Trong khi đó, trái với dự đoán của nhiều người, đất nội thành Hà Nội không có xu hướng giảm. Theo khảo sát, giá đất tại các khu chung cư, đô thị không mới không nằm ở khu vực trung tâm vẫn giữ giá như cuối năm 2007.

Tại khu đô thị Mỹ Đình I, giá bán chung cư dao động từ 17-19 triệu một m2, ngang với giá cuối năm ngoái. Còn tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, nhiều vị trí đẹp giá đã được rao 25-28 triệu một m2, tăng 2-3 triệu đồng so với năm 2007.

Số lượng các vụ giao dịch thành công cũng chủ yếu tập trung ở các khu nhà chung cư cao tầng, nơi giá nhà được tính bằng tiền mặt. Các lô đất và nhà nội đô gần như "đóng băng" sau Tết nguyên đán. Theo các nhà đầu tư bất động sản, nguyên nhân là do người dân có tâm lý kiêng kỵ mua sắm dịp đầu năm. Ngoài ra, đất nội đô vốn có truyền thống định giá bằng vàng cũng chịu tác động lớn do vàng tăng giá.

Theo ông Lê Trung Kiên, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần bất động sản Hà Nội, mặc dù số lượng giao dịch đang chững lại nhưng đất nội thành khó có thể giảm do nhu cầu người dân có nhu cầu thực mua nhà để ở còn quá lớn. "Những mảnh đất nhỏ, nằm sâu trong ngõ thì có thể giảm trong thời gian tới và cũng chỉ giảm nhẹ, khi Hà Tây thành Hà Nội. Còn các vị trí khác thì khó mà xuống giá", ông Kiên cho biết.

Theo VnExpress