UBND TPHCM vừa chỉ đạo UBND quận 2 phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tình hình mua bán phiếu căn hộ, nền đất tái định cư (TĐC) và có biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng này. Mục đích TP hướng tới là người thuộc diện TĐC phải được hưởng đúng quyền lợi của mình, ổn định cuộc sống sau giải tỏa. Tuy nhiên với tình trạng mua bán bát nháo hiện nay, mục đích mà TP đặt ra khó có thể thực hiện.
Sôi động cả trên mạng
Đưa vào sử dụng giữa năm 2007, chung cư TĐC Phú Thọ (quận 11) được xem là có vị trí đắc địa vì nằm ở khu vực kinh doanh sầm uất của TP. Chính vì vậy, ngay khi quận 11 tổ chức cho đối tượng được TĐC (bị giải tỏa trước đây để xây dựng chung cư) bốc thăm nhận căn hộ thì giới cò đã rao bán một phiếu TĐC chênh lệch 300 triệu đồng so với giá gốc.
Chẳng hạn, một căn hộ ở lầu 3 (58 m2) giá bán cho đối tượng TĐC là 500 triệu đồng, còn giá bán trao tay một phiếu TĐC để nhận căn hộ là 800 triệu đồng. “Dù giá nhà đất đã giảm “sốt”, nhưng một căn hộ ở đây hiện được rao bán lên mức 1,4 tỉ đồng”- một cò, khoe.
Tại một số chung cư TĐC của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tình hình mua bán suất TĐC cũng sôi động không kém. Trong đó, chung cư TĐC Thạnh Mỹ Lợi hiện đang là tầm ngắm của giới cò. Chị Ng., nằm trong diện giải tỏa khu Thủ Thiêm, cho biết: “Trước Tết, ngay khi bốc thăm xong căn hộ ở lô A2 chung cư Thạnh Mỹ Lợi , tôi đã bán suất TĐC này cho cò với giá 650 triệu đồng. Thủ tục ủy quyền do cò lo hết, sau đó ra ở nhà thuê tại phường An Lợi Đông”. Chị Ng. cho biết căn hộ chị bán hiện được cò rao bán lại với giá 900 triệu đồng.
Không chỉ giao dịch trực tiếp, thông tin bán suất TĐC còn được rao rất nhiều ở các website điện tử mà ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy.
Vẫn chưa có hướng giải quyết
Ông Phan Hữu Đạo, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 11, cho biết thống kê cho thấy ở chung cư Phú Thọ có 40% trường hợp người có suất TĐC ủy quyền cho người khác nhận căn hộ. “Việc này ai cũng thấy rõ, nhưng để bảo vệ người bị giải tỏa có nơi ở ổn định rất khó. Bởi giao dịch, mua bán kiểu này pháp luật không cấm nên cơ quan quản lý không thể can thiệp được”- ông Đạo nói.
Trong đợt khảo sát năm 2007 của Sở Xây dựng và một số quận - huyện về tình trạng “bán lúa non” nhà đất TĐC, có đến 80% người vào ở các chung cư TĐC không phải là đối tượng được TĐC.
Theo ý kiến của các sở, ngành liên quan, với quỹ nhà TĐC ngày càng nhiều như hiện nay thì TP cần ban hành sớm quy chế quản lý để các cơ quan chức năng có cơ sở giải quyết, xử lý những trường hợp đầu cơ nhằm giúp người bị giải tỏa có nơi ở ổn định. “Thế nhưng, biện pháp xử lý vẫn chưa có câu trả lời”- một cán bộ Sở Xây dựng nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nhiều lần loay hoay soạn thảo, đến nay TPHCM vẫn chưa thể ban hành được quy chế quản lý việc mua bán nhà TĐC.
Nhiều rủi ro
Biết chúng tôi đang “truy” người có nhu cầu bán suất TĐC ở chung cư Phú Thọ, chị Thanh Ngọc (quận Bình Thạnh), người mới dọn đến ở một căn hộ nằm trên lầu 1, lô 6, cho biết qua tay 5 người, chị mới mua được căn hộ này với giá 1,3 tỉ đồng. “Hiện tôi đang lo do mua theo diện trả góp nên hợp đồng mua bán chỉ có mỗi chữ ký khống của bên bán, khi nào tôi đóng tiền đủ lúc đó mới làm hợp đồng mua bán chính thức và làm chủ quyền, nhưng khi đó có trục trặc gì thì không biết níu áo ai!?”- chị Ngọc lo lắng.
Trước đây ở quận 2 cũng đã xảy ra trường hợp người mua lại suất TĐC phải “khóc dở mếu dở” vì khi đóng xong phần tiền trả góp căn hộ thì “truy” người bán không ra. Lúc này tiền cũng lỡ trao mà giấy chủ quyền lại không làm được vì hợp đồng mua bán không có người... ký!
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: