Top

Giải ngân khoản vay mua nhà lãi suất 4,8%:

Đánh trúng vào “điểm nghẽn” nhà ở xã hội

Cập nhật 24/04/2018 13:58

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuẩn bị và sẵn sàng giải ngân cho hoạt động vay mua nhà ở xã hội theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định 370/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.   

Những ngày gần đây, thông tin nguồn vốn với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm từ NHCSXH đã sẵn sàng giải ngân cho vay mua nhà ở xã hội theo chỉ đạo tại Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội đang thu hút sự chú ý của cả giới đầu tư và đông đảo người dân, nhất là tại Thủ đô Hà Nội - một trong những địa phương có nhu cầu lớn nhất về loại hình nhà ở này.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về một số giải pháp t9.háo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Chỉ sau hơn 3 năm triển khai, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết và đã có trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở...

Tuy nhiên, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi này kết thúc, việc triển khai chính sách nhà ở xã hội lâm vào tình trạng đi ngang và đình trệ, nhiều chủ đầu tư không còn cảm thấy mặn mà với phân khúc này bởi lý do rất đơn giản, người dân chưa có nguồn vay hợp lý, vừa sức để mua nhà. Trước thực tế đang diễn ra, với sự ra đời của một dòng vốn với lãi suất ưu đãi đặc biệt như Quyết định 370/QĐ-TTg dù chưa phải thực sự lớn nhưng đã đánh trúng vào “điểm nghẽn” nhà ở xã hội và hứa hẹn sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ.


Dự án nhà ở xã hội tại số 30 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). ảnh: P.Anh

Cụ thể, trong năm 2018, ngân sách Nhà nước bố trí 500 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng, nâng tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội lên 1.000 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch đến năm 2020, cả vốn Chính phủ cấp và vốn đối ứng của NHCSXH, chương trình cho vay nhà ở xã hội sẽ lên tới 2.236 tỷ đồng. Dòng vốn kịp thời này sẽ có tác dụng như một cú hích, một lần “bơm máu” đầy hiệu quả cho những dự án đang lâm vào tình trạng cạn vốn, “đắp chiếu chờ thời”, thậm chí có nguy cơ bị thu hồi đất và đặc biệt, nó còn là chiếc phao làm nổi những ước mơ sở hữu một căn nhà của những đối tượng có thu nhập thấp.

Về việc triển khai, ông Nguyễn Văn Lý - Phó TGĐ NHCSXH vừa cho biết, ngân hàng đã sẵn sàng cho những khoản vay đầu tiên. “Tới thời điểm này, có thể khẳng định chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 chính thức sẵn sàng giải ngân cho những khoản vay đầu tiên” - ông Lý cho hay. Đại diện NHCSXH cũng cho biết, khi thiết kế chương trình, phía ngân hàng đã đưa ra tính linh hoạt đó là việc gửi tiết kiệm có thể thực hiện khi bắt đầu ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Số tiền này trích từ tiền 20% để mua nhà (vốn đối ứng yêu cầu người vay phải có). Đổi lại, NHCSXH sẽ ân hạn không thu nợ, trong 1 năm, đồng thời trả bằng lãi suất đúng 4,8%/năm.

Được biết, nếu dựa trên báo cáo các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn cho vay nhà ở xã hội năm nay là khoảng 5.000 tỷ đồng; Còn kế hoạch Bộ Xây dựng và NHCSXH tính toán thì nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội đến năm 2020 có thể lên tới 18.000 tỷ đồng. Bởi thế, trước mắt, có nguồn vốn là 1.000 tỷ đồng ngân hàng sẽ phân bổ về cho các địa phương triển khai cho vay. Để đảm bảo khoản vay giải ngân đúng đối tượng và công bằng, ông Lý cho hay, trên cơ sở biểu mẫu của Bộ Xây dựng ban hành để xác định người thu nhập thấp cùng với các quy định về các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức thế nào thì được vay vốn. Hồ sơ xác định đủ tiêu chuẩn vay hay không là do tổ chức hội đoàn thể, chính quyền xã, phường họp qua rất nhiều vòng.

Theo đó, quy trình và thủ tục vay vốn cũng được xây dựng một cách khá chi tiết để đảm bảo dòng tiền đến đúng địa chỉ người có nhu cầu thực sự. Việc hồ sơ có được xác định đủ điều kiện được vay hay không sẽ do tập thể địa phương xã, phường họp vài lần (phải được sự nhất trí của 4 hội đoàn thể gồm: Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi cùng chấm điểm).

Sau đó, hồ sơ đã được duyệt sẽ chuyển lên ngân hàng để tiếp tục các khâu thẩm tra về khả năng trả nợ; dự án vay, thủ tục thế chấp tài sản… Nếu đủ điều kiện rồi nhưng trong phạm vi nguồn vốn đáp ứng đủ thì chuyển lên ngân hàng giải ngân ngay. Còn nếu người vay đủ tiêu chuẩn vay nhiều hơn nguồn vốn đáp ứng thì tiếp tục chấm điểm thêm các tiêu chí khác. Nếu nhiều người vay bằng điểm nhau thì lại bốc thăm.

Thực tế quy trình ngặt nghèo như trên sẽ loại ra những trường hợp “thả dù, nhảy cóc”, lợi dụng chính sách để trục lợi và nhất là ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, mua nhà giá rẻ để “bán chui” kiếm lời. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề cũng là khâu khó nhất khi triển khai chương trình này trong điều kiện nguồn vốn hạn chế còn nhu cầu thì rất lớn.

Không loại trừ nhiều trường hợp có nhu cầu chính đáng nhưng hồ sơ vẫn bị loại. Điều này cũng sẽ dẫn đến hệ lụy xảy ra nhiều khiếu kiện nếu không vay được vốn mua nhà ở xã hội. Cũng cần nhìn nhận thêm ở góc độ khách quan, quy trình bốn bên, ba nhà xét duyệt như trên không khỏi đem lại khá nhiều phiền toái cho người có nhu cầu khi phải trải qua một chặng đường khá chông gai để hồ sơ vay vốn mua nhà ở xã hội được phê duyệt.

Anh Nguyễn Minh Lâm, một viên chức đang công tác ở một cơ quan tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi vừa mua 1 căn hộ 50m2 tại dự án nhà ở xã hội, hiện tôi mới nộp tiền được hơn 40% giá trị căn hộ. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tôi rất mong mỏi được vay gói ưu đãi lãi suất 4,8%/năm, nhưng với nhiều thủ tục xét duyệt quả thực tôi không biết mình có đủ điều kiện vay hay không và có khi đến lúc được phê duyệt thì dự án đã xây dựng xong rồi cũng nên”.

Nhiều người dân mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội đều mong muốn phía NHCSXH trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các yếu tố khách quan, công bằng ở khâu xét duyệt từ cơ sở để lựa chọn những hộ dân xứng đáng nhất, có nhu cầu thiết thực nhất. Bởi nhìn tổng thể, khâu cuối cùng của một bộ hồ sơ vay vốn, hay cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất và duy nhất chính là NHCSXH.

DiaOcOnline.vn - Theo PLXH