Đi lùng cả ngày mà không kiếm được một căn phòng hợp túi tiền của giới bình dân. Điều tưởng chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM này lại đang diễn ra tại Đà Lạt.
Tìm nửa ngày chưa có nhà
Trong vai 2 vợ chồng mới cưới, chúng tôi rảo khắp các nẻo đường Đà Lạt để tìm một căn phòng cho 2 người ở. Lựa chọn đầu tiên của chúng tôi là khu vực Ngã 5 đại học, đây là khu vực sinh viên Trường Đại học Đà Lạt và Đại học dân lập Yersin sống tập trung nhất, giá cả cũng mềm. Đảo đi đảo lại nhiều lần các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Công Trứ, Phù Đổng Thiên Vương…, dò hỏi từng nhà nhưng kết quả nhận được chỉ là câu trả lời quen thuộc: “Hết phòng”.
Một vài chủ nhà còn mách nước: “Muốn kiếm phòng trọ thì đợi đến hè, sinh viên ra trường. Dịp này lỡ cỡ, khó có lắm…”.
Chúng tôi tìm đến một tuyến đường xa hơn là Thông Thiên Học. Trong khoảng 1km đường san sát nhà trọ sinh viên thì chỉ có 3 nhà thông báo còn phòng. Ghé vào hỏi thăm một căn nhà cạnh đường, chủ nhà đi vắng, một sinh viên ở phòng giữa nhanh nhảu trả lời: “Dạ, có phòng ở cạnh phòng em, mỗi tháng 400.000đ chưa tính tiền điện, nước. Nhưng mấy người bên đó chưa chuyển đi…”.
Đảo mắt xem qua căn phòng của anh sinh viên đang ở: tường xây, trần ván ép, diện tích khoảng hơn 10m2, chỉ đủ đặt một chiếc giường 1,2m, một bàn học và chỗ treo quần áo… Đến khu nhà cách đó vài căn, chúng tôi kiếm được một phòng tương tự nhưng lại nằm giữa hẻm, không có chỗ để xe gắn máy… nên đành thôi.
Giá cao ngất ngưởng… vẫn đắt khách
Sau nhiều ngày “săn lùng”, chúng tôi cũng kiếm được một căn phòng tạm được ở đường Võ Thị Sáu, nói là đường nhưng thực chất đây chỉ là một con hẻm nhỏ. Khu nhà trọ này vừa xây xong, gồm 5 phòng với mức giá từ 500.000đ đến 800.000đ/phòng, chưa tính tiền điện, nước.
Dù đây là khu nhà còn mới toanh nhưng chúng tôi vẫn là người đến muộn (trong lúc đang xây đã có nhiều người đến đăng ký), vì vậy không còn lựa chọn nào khác ngoài căn phòng ở giữa với mức giá 500.000đ/tháng. Phòng tuy hơi chật nhưng khá sạch sẽ, có vệ sinh trong phòng, nền lát gạch hoa; các thiết bị cần thiết như giường, bàn, tủ quần áo… đều phải tự sắm.
Lấy lý do là cán bộ công chức, thu nhập thấp, chúng tôi trả giá xuống 400.000đ. Chủ nhà nhất định không chịu: “Dạo này giá cả vật liệu lên cao, chi phí xây dựng lớn lắm. Lấy giá đó thì chị không có lãi…”.
Theo thống kê, trong 2 năm 2007 - 2008, tại khu vực nhà trọ tập trung nhất là phường 8 và phường 2 đã có thêm trên 160 hộ đăng ký kinh doanh nhà trọ, nâng tổng số hộ lên gần 800, trong đó có nhiều khu nhà quy mô hàng chục phòng.
Tuy vậy, tình trạng căng thẳng cũng như giá cả phòng trọ không hề hạ nhiệt. Không chỉ ở khu vực gần trung tâm mà ở nhiều tuyến đường khá xa như: Nguyễn Lương Bằng, An Dương Vương, Nguyễn Trãi, Lữ Gia, Ngô Quyền… giá phòng trọ cũng cao ngất ngưởng và trong vòng khoảng 2 năm qua đã 2 - 3 lần tăng giá, từ 240.000 - 300.000đ lên 350.000 - 500.000đ, thậm chí đến 1 triệu đồng mỗi phòng.
Người nghèo lao đao
Giá cao, khó kiếm nhà trọ đã đành, khi kiếm được nơi ưng ý thì nhiều người còn bị chủ nhà “làm cao”. Tâm lý của đa số chủ nhà trọ là ưa những sinh viên học năm nhất, năm hai hoặc những cặp vợ chồng công chức vì thời gian thuê thường lâu dài; sinh viên sắp ra trường đến hỏi thì bị lạnh lùng từ chối dù nhà trọ vẫn còn phòng. Ngược lại, một số nhà trọ chỉ nhận sinh viên mà không cho các cặp vợ chồng ở vì “sợ phức tạp” hoặc chỉ nhận sinh viên nữ…
Giá phòng trọ tăng cao khiến nhiều sinh viên con nhà nghèo và giới lao động thu nhập thấp lao đao. Sau khi hỏi thăm giá phòng ở khu nhà trên đường Lý Tự Trọng, một cán bộ công tác tại Trường Trung cấp du lịch Đà Lạt than: “500.000đ coi như mất toi gần nửa tháng lương, lấy gì mà sống nữa…”.
Trung, sinh viên năm 2 Trường Đại học Đà Lạt, thì tỏ ra lo lắng: “Quê em ở tận Thanh Hóa, bố mẹ làm ruộng, trước đây đã phải vay tiền ngân hàng cho em ăn học, nay giá cả tăng thế này không biết tính thế nào”. Không chỉ sinh viên nghèo mà nhiều sinh viên nhà khá giả cũng tỏ ra lo ngại.
Thủy, sinh viên năm 3, gia đình thuộc hạng khá ở Lâm Đồng cho biết: “Giá nhà trọ cứ tăng xoành xoạch, nhiều lúc nói bố mẹ còn không tin, xin thêm tiền cũng khó, lại thương gia đình nên đành phải chi tiêu tiết kiệm tối đa”.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: