Trước mùng 10 Tết Mậu Tý 2008, trong khi nhiều ngành sản xuất, kinh doanh tại TPHCM đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại thì rất nhiều công trình xây dựng trên địa bàn TP, theo ghi nhận của Báo giới, vẫn còn trong tình trạng “nghỉ tết”, “nằm im”... vì chờ thợ, thiếu lao động. Sau mùng 10, tình trạng thiếu thợ không còn căng thẳng như mấy ngày trước đó nhưng vấn nạn thiếu hụt lao động vẫn chưa thể được giải quyết triệt để.
Sau tết, chủ thầu ngồi chờ thợ…
Dạo quanh các khu công trường xây dựng (XD) tại các quận nội thành lẫn các huyện ngoại thành, ngoài số ít các công trình đã hoạt động, phần lớn các công trình XD nhà ở, cao ốc văn phòng vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau tết.
Kỹ sư Nguyễn Tuấn Hải, giám sát thi công công trình cao ốc tại quận 2, cho biết, theo thông lệ hàng năm, sau ngày mùng 6 tết, các công trình XD đều có thể hoạt động trở lại, nhưng năm nay đã gần hết mùng 10 tết, mà chẳng thấy bóng dáng công nhân nào quay lại làm việc, trừ những công nhân ở lại công trường hoặc có nhà ở TP.
Do vậy, công trường vẫn chưa tái khởi động được. Theo kỹ sư Hải, thực trạng thiếu hụt lao động ngành XD tại TPHCM không phải sau tết năm nay mới xảy ra, mà đã xuất hiện từ trước, khi mà có quá nhiều công trình xây dựng mọc lên, trong khi số lượng công nhân ngày càng giảm xuống vì rất nhiều lý do, nổi bật nhất chính là lương thấp mà mức sống ở TP quá cao.
Một số nhà thầu XD cho biết đang rơi vào một tình thế khá khó khăn vì thiếu hụt nghiêm trọng lao động. Đặc biệt, rất nhiều công trình đã triển khai đến giai đoạn cuối, chủ đầu tư rất cần đẩy nhanh tiến độ, trong khi nguồn nhân công không phải lúc nào cũng nằm trong thế chủ động của họ. Bởi, phần lớn thợ XD đều ở các tỉnh, khi về nghỉ tết, họ có quay lại hay không nhà thầu không thể nắm được thông tin. Chỉ có việc duy nhất có thể là... chờ và tìm cách tuyển dụng mới.
Tiếp tục đối mặt với thực tế thiếu hụt thợ xây...
Theo dự báo của Hiệp hội XD TPHCM, năm nay quy mô XD của TP sẽ tăng trên 100% so với năm 2007. Khi các dự án được triển khai và TP trở thành một “đại công trường”, lao động có tay nghề và kỹ sư giám sát ngành XD sẽ thiếu trầm trọng. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tại TP có khoảng 600 doanh nghiệp (DN) xây dựng, mỗi DN có khoảng 70 thợ lành nghề, tổng cộng là 42.000 thợ lành nghề.
Trong khi đó, nhu cầu đủ cho mức độ XD của TP từ đầu năm nay đã là gần 100.000 thợ. Khó khăn hơn là hiện nay đang xảy ra tình trạng dòng thợ có tay nghề “chảy ngược” từ TP về các tỉnh thành khác, đặc biệt là những địa phương đang đẩy mạnh cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các khu công nghiệp...
Nhiều DN XD tại TPHCM từ cuối năm ngoái đã tăng mức lương từ 120.000 lên 150.000 đồng/ngày đối với thợ bậc cao, lương kỹ sư giám sát được tăng từ 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thể giữ chân họ. Các DN nước ngoài cũng đang lôi kéo người lao động bằng cách trả lương cho thợ bậc cao và kỹ sư khá hậu hĩnh, khoảng 800-1.200 USD/tháng cho một kỹ sư giám sát công trình.
“Phải bắt đầu làm quen và đối mặt với việc thiếu hụt trầm trọng thợ XD trên địa bàn TPHCM, từ đó có những giải pháp căn cơ hơn để giữ chân người lao động. Đã qua rồi cái thời chỉ cần trưng bảng tuyển dụng ngay tại công trình là có thể tuyển đủ thợ” - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - XD N.B.H Nguyễn Hữu Quang khẳng định như vậy.
Theo ông Quang, thiếu hụt lao động ngành XD không chỉ ở việc tuyển không đủ người mà còn cả việc đối mặt với thực trạng “mất” công nhân ngay chính trong DN, nếu như không biết cách giữ chân họ ở lại.
Giải pháp nào?
Thực tế cho thấy, phần lớn DN ngành XD sử dụng lao động theo thời vụ và không thực sự quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội đối với họ. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn lao động là người nhập cư, trong khi nhu cầu sử dụng lao động lại tùy thuộc vào việc trúng thầu các công trình, nên rất ít DN quan tâm đến việc chăm lo cho họ như một công nhân lao động lâu dài giống như các ngành nghề khác.
Vì vậy mà các chế độ bảo hiểm, phụ cấp, công tác chăm lo đời sống trong và ngoài công trường gần như bị thả nổi, nhất là ở một số DN tư nhân. Theo một cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM, nghề XD luôn có nguy cơ cao về tai nạn lao động nhưng số lượng lao động được đóng các khoản bảo hiểm chiếm tỷ lệ rất thấp.
Trong khi mặt bằng lương bổng giữa lao động ngành XD gần như giống nhau, nếu DN nào quan tâm đến các chế độ chính sách tốt hơn, chắc chắn không phải đối mặt tình trạng thiếu hụt, mất nguồn nhân lực.
Để giữ chân công nhân xây dựng, không còn cách nào khác phải quan tâm đến đời sống lâu dài cho người lao động ngay tại TP. Trong khi một số ngành nghề khác, công nhân được xây nhà lưu trú, nhà trọ thì lao động XD lại luôn sống trong tình trạng không ổn định, thậm chí một số lượng không nhỏ người lao động phải sống cùng công trường.
Điều này giải thích cho nguyên nhân vì sao nhiều người khi về quê không quay trở lại, vì ở quê họ sẽ có chỗ ở ổn định và mức lương không thấp hơn bao nhiêu so với TP. Cần có chiến lược tuyển dụng và sử dụng lâu dài nguồn nhân lực lao động ngành XD TP, nếu không tình trạng không ít công trường phải “nằm im” chờ thợ sẽ tiếp tục xảy ra.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: