Top

Sức nóng bất động sản:Thử thách quản lý

Cập nhật 19/02/2008 15:00

Tại cuộc họp đầu năm của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM, ngày 18/ 2, nhiều DN cho rằng, thị trường BĐS đầu năm 2008 như con ngựa bất kham, song chưa thấy vai trò của nhà quản lý - những “người nài ngựa”?!

Bà Tạ thị Ngọc Thảo - Giám đốc Cty T.T.N.T, dự đoán: năm 2008 sẽ là điểm hội tụ của những nguồn vốn lớn - lớn nhất từ trước đến nay đổ vào TT BĐS. Nhận định này là có cơ sở khi các DN, tập đoàn kinh tế nhà nước ở các ngành nghề sản xuất, chuyên môn khác cũng hồ hởi nhảy vào thị trường địa ốc, 80% FDI đổ vốn vào TT BĐS và mối gắn kết của TTCK - TT BĐS ngày càng rõ.

Quản lý vĩ mô - khâu quyết định

Bà Bảo đặt câu hỏi: thị trường lớn sẽ đòi hỏi sự điều tiết chắc tay và bản lĩnh của các nhà quản lý. Với cách quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô như hiện nay, sẽ là phúc hay họa cho TT BĐS và cho nền kinh tế? Trong tình hình TT BĐS đang sung sức như vậy, quản lý vĩ mô sẽ là khâu quyết định. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách để điều chỉnh thị trường, như Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 10/1 chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm kiếm các cơ chế, chính sách ghìm cương TT BĐS. Tuy nhiên, bà Thảo với tư cách một DN kinh doanh trong lĩnh vực này lên tiếng: “Sao lại ghìm cương một con ngựa đang sung sức? Tại sao không nhân cơ hội này đặt lên lưng “con ngựa” BĐS cả nền kinh tế rồi thúc cho nó bay đúng hướng để Việt Nam phát triển tăng tốc? Bởi theo bà “không có ngựa bất kham, chỉ có tay nài yếu”. Đồng tình quan điểm này, ông Thiều - Giám đốc một Cty BĐS tại TP HCM cũng cho rằng, thị trường BĐS nóng là do thiếu cung, nhưng quy chế thuế của nhà nước không mở, vì vậy DN cũng đành bó tay.

Để trả lời những kiến nghị của DN, ông Đào Anh Kiệt - quyền Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM khẳng định: Để bình ổn thị trường phải nhanh chóng tăng nguồn cung sản phẩm nhà đất bằng cách thúc đẩy nhanh các dự án nhà ở. Giải pháp này gồm nhiều yếu tố, nhưng vấn đề vẫn là nguồn vốn để thực hiện các dự án. Để các DN triển khai nhanh các dự án, Nhà nước phải hỗ trợ DN bằng các hình thức như thay đổi cách tính mức thu tiền sử dụng đất và khấu trừ tiền sử dụng đất khi DN thực hiện dự án; Phân khúc mức thuế đối với các dự án bằng cách chỉ tính giá mặt tiền từ 30 m kể từ ranh lộ giới, phần diện tích tiếp theo đến 100 m cách ranh lộ giới thì tính bằng 70% giá mặt tiền và có chiều sâu lớn hơn 100 m thì tính mức thuế bằng 50% giá mặt tiền; Đề nghị giữ ổn định giá đất mà DN phải nộp và cho chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn 5 năm; Cho DN được huy động vốn sau khi đền bù giải tỏa, được duyệt quy hoạch 1/500 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đây là giai đoạn DN rất cần được bổ sung vốn triển khai dự án... “Ngoài ra, để nhanh chóng bổ sung quỹ nhà ở, Sở TN-MT cũng đã và đang xúc tiến việc đấu giá các dự án đã thu hồi theo hình thức Nhà nước đền bù, thực hiện quy hoạch và kêu gọi các DN tham gia đấu giá, xây dựng nhà ở. Với hình thức này, sẽ tạo ra một lượng nhà ở lớn để đáp ứng cho nhu cầu của xã hội" - ông Phước cho biết.

Cần "gói giải pháp" đồng bộ

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM lại cho rằng: Để lành mạnh hóa và phát triển thị trường BĐS cần "một gói giải pháp" đồng bộ, chứ không thể thực hiện riêng lẻ được. Phải khai thông cả sức cung và điều chỉnh cả sức cầu. Gói giải pháp trên liên quan đến nhiều nội dung quản lý nhà nước như: quy hoạch, giao đất, giao dự án, thủ tục đầu tư, kiểm soát dòng tín dụng, quản lý thị trường chứng khoán, thuế lũy tiến bỏ đất hoang, minh bạch thông tin, chống tham nhũng...

Ông Lê Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cũng đưa ra kiến nghị: cần có chính sách liên thông 3 thị trường BĐS - chứng khoán và tài chính. Đồng thời nên bỏ quy định dự án đầu tư nhà phải được UBND thành phố hoặc UBND quận phê duyệt. Luật Nhà ở tại khoản 4 Điều 30 quy định: “Dự án phát triển nhà ở phải được thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng khi phê duyệt” và tại khoản 2 Điều 137 quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc chủ tịch UBND cấp huyện theo phân cấp phê duyệt dự án phát triển nhà ở trên địa bàn”.

Theo quy định này, các dự án phát triển nhà ở đều phải được chính quyền phê duyệt, trong khi chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về dự án trước pháp luật. Do vậy, cơ quan nhà nước như hiện nay chỉ thẩm định, phê duyệt về quy hoạch, thiết kế, hạ tầng, môi trường, giao thuê đất... chứ không cần thiết “ôm” phê duyệt dự án”- ông Châu khẳng định!

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp