Chỉ tính riêng tại TP HCM, từ đầu năm đến nay, có 479 dự án bất động sản được cấp phép với tổng vốn đăng ký 8,13 tỷ USD.
Trong đó, có 362 dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với số vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện vốn thực hiện ước đạt chỉ 652,944 triệu USD.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc lớn tại TP HCM cho biết, hiện công ty có nhiều dự án không thể triển khai do hết tiền. Công ty đang ôm gần chục dự án, đã giải phóng xong mặt bằng, nhưng đành bó gối đứng nhìn đất “phơi nắng”.
Không xây vì hết tiền
Trước đó, hầu như toàn bộ sức lực công ty đổ vào công tác giải phóng mặt bằng các dự án này. Lúc chuẩn bị triển khai thì rơi ngay vào thời điểm thoái trào của thị trường bất động sản, ngân hàng không cho vay, những dự án trên đành “trùm mền”. Số tiền đầu tư cũng chôn chết đứng ở đây. Cụ thể, cuối năm 2007, công ty này triển khai dự án khu resort tại Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế trên diện tích gần 8ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 11,6 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2009. “Song đến nay, dự án không thể tiếp tục triển khai vì không có tiền. Số tiền ít ỏi còn lại, công ty dành để hoàn thành nốt những dự án dở dang ở TP HCM”, vị giám đốc thừa nhận.
Tháng 2/2008, UBND TP HCM cấp giấy phép đầu tư xây dựng Trung tâm Tài chính Việt Nam tại khu du lịch Kỳ Hòa, quận 10 cho Công ty Berjaya Leisure (Cayman), thuộc tập đoàn Berjaya Land (B – land) của Malaysia trên khu đất rộng 25,4ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 930 triệu USD. Chủ đầu tư tuyên bố sẽ triển khai dự án trong năm nay và hoàn tất vào giai đoạn 2010 - 2013. Công ty này cũng được cấp phép xây dựng dự án Khu đô thị đại học tại Hóc Môn, công trình cho sinh viên được xem là “hoành tráng” nhất Việt Nam trên diện tích gần 1.000 ha, vốn đầu tư ban đầu 3,5 tỷ USD. Như vậy, Berjaya đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, hầu hết dự án này vẫn chưa được thi công, ngay cả việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Xin dự án để xí phần
Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm giải ngân, theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài, do khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, năng lực thi công và khả năng tài chính của các nhà thầu yếu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, nhiều doanh nghiệp không có năng lực về tài chính nhưng cũng “mạnh dạn” xin nhiều dự án cốt để xí phần. Vì vậy, khi thị trường bất động sản tuột dốc, tính thanh khoản không còn, những dự án này không thể triển khai.
Do kinh tế gặp nhiều khó khăn, các nước phải tập trung thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng và tăng cường tiết kiệm trong tiêu dùng, dẫn đến vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài từ các quỹ, công ty tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào bất động sản trong năm 2009 có khả năng giảm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định, đứng trước cơn bão tài chính, nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại những khoản đầu tư, giải ngân vốn.
Thực tế cho thấy, năm 2007, thời điểm sốt giá của bất động sản, nhiều doanh nghiệp địa ốc đua nhau xin dự án. Một số doanh nghiệp nước ngoài cũng “nhảy” vào xin với thời gian dài và số vốn cam kết “hoành tráng”. Tuy nhiên, bước sang năm 2008, khi thị trường đi xuống, hầu hết doanh nghiệp này đều đuối vốn (vì đã dùng để đền bù), trong khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, nên các dự án này đành ngâm lại.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế quốc hội, cho rằng, việc vốn chảy nhiều vào bất động sản, nhưng không thể triển khai đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp địa ốc và nền kinh tế. Hiện tiền bị hút vào lĩnh vực bất động sản, không thể lưu hành ngoài thị trường, trong khi các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, nông nghiệp… lại đang rất “đói” vốn. Ngoài ra, việc doanh nghiệp xin dự án mà không triển khai sẽ làm mất cơ hội của những nhà đầu tư thực sự có năng lực thực thi dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: