Do sợ phải chịu trách nhiệm, cơ quan công chứng tại TP.HCM đã "sáng tác" thêm các thủ tục không có trong qui định khi công chứng hợp đồng về nhà đất.
Thông thường đối với nhà đất có giấy tờ hợp pháp như giấy đỏ, giấy hồng thì khi làm thủ tục công chứng hợp đồng, người dân chỉ cần xuất trình bản chính giấy chứng nhận và kèm thêm tờ khai lệ phí trước bạ là có thể hoàn tất hồ sơ.
Nhưng thực tế từ khi thi hành Luật công chứng mới đến nay, nhiều công chứng viên (CCV) đòi người dân phải bổ sung bản vẽ nhà đất mới giải quyết hồ sơ.
Đẩy khó cho dân
Bà Nguyễn Thanh T. - ngụ phường 3, quận Bình Thạnh - cho biết khi đến phòng công chứng làm thủ tục bán nhà, ngoài việc xuất trình giấy chứng nhận sở hữu, bà còn bị đòi phải có bản vẽ nhà. Khốn nỗi căn nhà của bà diện tích vỏn vẹn hơn 20m2 do mua lại một phần nhà của người chủ cũ và chỉ giữ mỗi bản chính giấy chứng nhận mà không đòi bản vẽ.
Căn nhà của người chủ cũ cũng đã bán qua bán lại cho nhiều người khác nữa nên bà không cách nào có được bản vẽ của căn nhà. Bà T. đành phải đến một công ty đo vẽ để nhờ vẽ lại nhà. Không những tốn thêm mấy trăm ngàn đồng, bà T. phải chờ đợi gần một tháng mới hoàn tất thủ tục mua bán nhà.
Theo lãnh đạo một phòng công chứng, việc đòi thêm bản vẽ trong thủ tục công chứng hợp đồng mua bán, thế chấp, tặng cho nhà đất gần đây là do Luật công chứng qui định không rõ ràng. Ngoài qui định CCV phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, tại điều 5 Luật công chứng còn kèm thêm "đối tượng của hợp đồng, giao dịch phải có thật". Qui định này đã gây lúng túng cho các CCV trong việc xác nhận hợp đồng.
Theo một CCV, hiểu một cách nôm na thì muốn xác định đối tượng của hợp đồng có thật hay không, CCV chỉ có cách đến tận địa chỉ nhà đất để kiểm tra. Nếu không kiểm tra thì khi xảy ra sai sót, CCV sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng trước khi ký bất cứ hợp đồng nào cũng phải đi kiểm tra thì không CCV nào làm nổi.
Để đối phó việc này, các phòng công chứng đã "sáng tác" nhiều thủ tục khác nhau nhằm loại trừ trách nhiệm của CCV. Có phòng công chứng buộc người tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký vào một văn bản riêng gọi là "giấy cam kết đối tượng giao dịch của hợp đồng là có thật", có nơi yêu cầu các bên phải đánh máy nội dung cam kết này ngay trong hợp đồng; còn có phòng công chứng lại buộc người dân phải xuất trình bản vẽ nhà đất như một bằng chứng nhà đất đó có thật.
Bất hợp lý, không khả thi
Luật công chứng đã có hiệu lực thi hành hơn nửa năm nay nhưng vẫn chưa có nghị định hướng dẫn. Theo các phòng công chứng, qui định CCV phải chịu trách nhiệm về việc đối tượng của hợp đồng là có thật là một trong những qui định mới của Luật công chứng, phải có hướng dẫn cụ thể mới có thể thi hành. Thời gian qua, mỗi CCV hiểu và thi hành điều khoản này theo một cách khác nhau dẫn đến tình trạng người dân bị đòi hỏi phải làm thêm các thủ tục "không giống ai".
Theo ông Trần Anh Tuấn - trưởng Phòng Công chứng số 3, mấu chốt quan trọng là ở chỗ qui định này vừa bất hợp lý mà không khả thi. Theo Bộ luật dân sự, các đương sự có quyền cam kết và phải chịu trách nhiệm trong các giao dịch của mình.
Còn nhớ trước đây khi công chứng, chứng thực theo nghị định 75/CP, người dân muốn bán, tặng cho, thế chấp nhà đất của mình đã rất vất vả vì phải làm thêm một thủ tục xác nhận của UBND xã, phường về tình trạng nhà không tranh chấp, không thuộc diện qui hoạch giải tỏa thì mới được chứng hợp đồng.
Kể từ giữa năm 2006, sau khi có thông tư liên tịch số 04 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - môi trường (về công chứng hợp đồng, văn bản liên quan quyền sử dụng đất), người dân mới thoát thủ tục xác nhận tình trạng nhà này. Từ đó đến nay cũng chưa thấy CCV nào phải chịu trách nhiệm vì chứng hợp đồng khi nhà đất đang tranh chấp hay bị qui hoạch giải tỏa.
Vì vậy theo nhiều CCV, tình trạng nhà đất giao dịch trên thực tế ra sao, phù hợp hay không phù hợp với tình trạng trên giấy tờ, có thay đổi kết cấu thế nào... nên để các đương sự tự tìm hiểu và chịu trách nhiệm với nhau trong quá trình ký kết hợp đồng. Nếu bên nào thông tin sai hoặc có ý lừa dối bên kia thì các đương sự có thể đưa nhau ra tòa để nhờ phân xử. Luật chỉ nên qui định cơ quan công chứng có trách nhiệm xác nhận hợp đồng, giao dịch đó có hợp pháp hay không, các bên tham gia giao dịch có đủ tư cách pháp lý, chữ ký có đúng là của người tham gia giao dịch hay không.
Không có chi phí đi xác minh
Một số phòng công chứng cho biết theo qui định, không có khoản thu để chi phí cho CCV đi xác minh nhà đất giao dịch là có thật hay không. Mà nếu có được thu phí của người dân để đi xác minh thì cũng đành "bó tay" vì không phòng công chứng nào đủ người để làm việc này.
Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: