Hiện nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang xúc tiến thành lập hàng loạt các Hợp tác xã nhà ở và Liên hiệp các Hợp tác xã nhà ở để giúp đỡ, hỗ trợ những xã viên có thu nhập thấp và trung bình tham gia Chương trình Tiết kiệm nhà ở để có được mái ấm gia đình.
Theo nhận định của các chuyên gia thị trường bất động sản nước ngoài, nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp ở Việt Nam rất lớn trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều từ chối tham gia những dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp với lý do sẽ thua lỗ lớn cho dù được Nhà nước ưu đãi thuế.
Trên thực tế, không phải như vậy mà là cuộc "chạy đua vũ trang" của hàng ngàn công ty đầu tư vào những dự án siêu lợi nhuận và đầu cơ mua đi bán lại dự án, căn hộ, biệt thự.
Theo GS-TS Nguyễn Trường Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng nhà Hà Nội, các dự án nhà ở cao tầng tại Việt Nam đạt lợi nhuận đến 400 - 500%, trong khi lợi nhuận hợp lý là khoảng 30%.
Thí dụ, Dự án Hoàng Anh River View (Tp.HCM) có chi phí là 832 tỷ nhưng đạt doanh thu 5.017 tỷ và lợi nhuận là 4.113 tỷ đồng. Quý 1/2008, có 3 công ty trong nước bắt đầu đầu tư dự án chung cư cao tầng cho người có thu nhập trung bình và thấp nhưng giá bán dự kiến cũng lên tới 500-600 triệu đ/căn hộ khoảng 40-50m2. Với mức giá này khoảng 80% dân số Việt Nam không có khả năng mua căn hộ chung cư cao tầng.
Tuy nhiên, mức giá trên có thể giảm xuống chỉ còn 250 triệu đồng/căn mà vẫn có thể có lãi khoảng 10% nếu không chạy đua theo lợi nhuận và được hưởng những ưu đãi của Nhà nước. Một minh chứng: một công ty của Hàn Quốc đã đề nghị hợp tác với Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn xây dựng 20.000 căn hộ chung cư cao tầng ở Tp.HCM cho người có thu nhập trung bình với giá bán chỉ có 15.000 USD/căn. Theo GS Nguyễn Quang, tại Thái Lan, cũng có những loại nhà giá chỉ 15.000 đ/căn.
Xuất phát từ mục tiêu xây dựng nhà ở cho các xã viên Hợp tác xã và những người có thu nhập trung bình và thấp, không vì lợi nhuận, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã hợp tác với Liên đoàn Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển (Tập đoàn HSB, Tập đoàn Ribsbyggen), Liên đoàn Hợp tác xã quốc gia Malaysia, Liên đoàn Hợp tác xã tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để xây dựng nhà ở cho các xã viên Hợp tác xã và những người có thu nhập trung bình và thấp, điển hình là Chương trình tiết kiệm nhà ở.
Theo quy định của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, mọi công dân có nhu cầu về nhà ở nếu tự nguyện đều có thể trở thành thành viên tiết kiệm của Chương trình Tiết kiệm nhà ở. Tiền tiết kiệm, điểm tiết kiệm và lãi suất mang tính cá nhân, tiền tiết kiệm không phải là số tiền trả góp hàng tháng để mua nhà và các ngân hàng đối tác của Chương trình Tiết kiệm nhà ở và bản thân Chương trình Tiết kiệm nhà ở đều phải giữ bí mật về thông tin liên quan đến tài khoản của người gửi tiết kiệm.
Thành viên tiết kiệm của Chương trình Tiết kiệm nhà ở được quyền biết thông tin về Hợp tác xã nhà ở và những dự án xây dựng nhà của Chương trình Tiết kiệm nhà ở (đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang Web của Chương trình Tiết kiệm nhà ở), được hưởng lãi suất tiền gửi tiết kiệm và vay tiền mua nhà theo quy định của ngân hàng đối tác của Chương trình Tiết kiệm nhà ở.
Về tiền tiết kiệm và xếp hàng tiết kiệm, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quy định: xếp hàng tiết kiệm dựa trên hệ thống tính điểm tối thiểu 1 tháng là 100.000 đồng bằng 1 điểm, tối đa 1 tháng là 300.000 đồng bằng 3 điểm, số điểm tối đa 1 năm là 36 điểm (12 tháng x 3 điểm/tháng).
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Chương trình Tiết kiệm nhà ở được chuyển dần thành điểm với tối đa 36 điểm mỗi năm. Nếu đã đạt được số điểm tối đa (36 điểm/năm) thì tiền lãi suất sẽ được sẽ được xem như số tiền tiết kiệm thặng dư và tiếp tục được chuyển thành điểm trong tương lai. Người tiết kiệm có thể rút tiền từ tài khoản tiết kiệm, nếu số tiền đã chuyển thành điểm thì số điểm sẽ giảm đi tương ứng với số tiền rút ra.
Quyền ưu tiên khi thành viên của Chương trình Tiết kiệm nhà ở muốn mua nhà sẽ phụ thuộc vào số điểm tích lũy, thời gian tích lũy và nhóm ưu tiên. Nhóm ưu tiên thứ nhất là người có thu nhập thấp, trung bình (sẽ có quy định cụ thể về mức hộ gia đình/tháng) và thực sự có nhu cầu về nhà ở, người không có nhà, người có diện tích sử dụng m2 ít và có nhiều thế hệ cùng sống trong một nhà (45% số lượng nhà được phân bổ cho nhóm này), nhóm ưu tiên thứ hai là các thành viên tiết kiệm khác của Chương trình Tiết kiệm nhà ở (45% số lượng nhà được phân bổ cho nhóm này), nhóm thứ ba là thành viên có tổ chức hoặc các đối tác bên ngoài được phân bổ tối đa 10% số lượng nhà.
Ngoài ra để được mua nhà của Chương trình Tiết kiệm nhà ở, người mua phải có khả năng trả trước tối thiểu 30% giá bán nhà và có khả năng chi trả lãi suất và vốn vay của ngân hàng nếu có vay. Hiện nay, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) là ngân hàng đối tác của Chương trình Tiết kiệm nhà ở và đang thực hiện mở tài khoản tham gia Chương trình Tiết kiệm nhà ở và cho vay mua nhà của Chương trình Tiết kiệm nhà ở.
Hiện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có khoảng 45.000 xã viên, nếu mỗi người góp 10 triệu đồng/năm thì Liên minh sẽ có ngay 450 tỷ đồng/năm để xây nhà, chưa kể vốn của các Hợp tác xã đóng góp và vốn vay ngân hàng. Khi số lượng thành viên tham gia Chương trình Tiết kiệm nhà ở lên đến 1 triệu người thì tổng số tiền tiết kiệm hàng năm lên tới 3.600 tỷ đồng/năm (3,6 triệu đồng/người/năm x triệu người). Đây thực sự là nguồn vốn xã hội hóa rất lớn để xây nhà cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: