Top

Bi kịch nhà tái định cư Hà Nội

Cập nhật 28/04/2008 10:00

Những mảng trần bị lở, một đường ống nước bị rò rỉ, những sàn nhà phồng rộp hay những bậc cầu thang nứt vỡ…là nỗi khổ thường nhật đối với người dân tái định cư. Hà Nội thêm phát triển thì các cư dân tái định cư lại thêm tụt hậu.

Nhiều bi kịch nảy sinh: Cụ già 70 leo bộ tầng 10; có nơi con em tái định cư phải đóng góp đến 3 triệu đồng/tháng/cháu nếu muốn vào học ngay tại ngôi trường mầm non được quy hoạch phục vụ dân tái định cư (TĐC)…

Cụ già 70 leo bộ 10 tầng nhà

Anh Nguyễn Đức Hiển mới chuyển về nhà TĐC N2D khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính vừa trải qua một ngày “kinh hoàng” ngay tại căn phòng mới - phòng 1504 (tầng 15).

Một ngày đầu hè, khu nhà của anh mất điện từ 5h sáng. Gia đình 4 khẩu trong đó cháu nhỏ mới 15 tháng tuổi trở thành những tù nhân bất đắc dĩ. Nước sạch chỉ đủ dùng cho vệ sinh buổi sáng và sử dụng dè để đun nấu. Anh Hiển “hạ thổ” bằng thang bộ xuống ăn sáng rồi chuồn đến tối mới quay về nhà.

Hai con gái lớn của anh giam mình trong nhà. Cháu bé 15 tháng tất nhiên cũng cố thủ tại gia. Anh Hiển và các con liên hệ với nhau bằng điện thoại. “Mất điện là cực hình đối với chúng tôi. Chung cư 17 tầng biến thành ốc đảo ngay giữa Hà Nội”- Anh Hiển bức xúc nói.

Ông Nguyễn Mạnh Lân, phòng 907 nhà N5A, Bí thư chi bộ khu TĐC Trung Hòa- Nhân Chính, thú nhận: “ Mỗi khi mất điện, tôi và một số cụ vẫn phải leo lên xuống nhà 11 tầng bằng thang bộ. Mỗi lần lên xuống phải nghỉ 3-4 chặng”.

Theo ông Lân, nhà N5A hiện có 24 cụ từ 60 đến 86 tuổi và có 51 cháu dưới 6 tuổi và đây chính là số đối tượng chịu hậu quả nặng nhất từ việc tòa nhà không máy phát điện.

Nguyên nhân của việc hàng chục tòa nhà TĐC cao tầng tại Hà Nội trở thành ốc đảo mỗi khi mất điện là “không có máy phát điện”! Ông Nguyễn Quốc Bình, GĐ Cty Đầu tư và Phát triển nhà số 6, chủ đầu tư khu TĐC Trung Hòa- Nhân Chính thừa nhận:

“Các tòa nhà cao tầng không được trang bị máy phát điện là bất hợp lý. Thế nhưng do ngân sách hạn hẹp, nên khi duyệt dự án cơ quan chức năng chấp nhận điều này”.

Theo Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, hiện toàn thành phố có 50 tòa nhà TĐC cao tầng thì có đến 21 tòa nhà cao tầng không có máy phát điện. Như vậy trên toàn địa bàn thành phố có gần 2.000 hộ với nửa vạn dân TĐC đang chịu cảnh leo cầu thang bộ mỗi khi mất điện.

Trước những bức xúc này, đầu tháng 12/2007, Cty của ông Bình đã có văn bản gửi Sở TNMT&NĐ Hà Nội xin bổ sung hệ thống máy phát điện cho 21 tòa nhà nói trên. Thế nhưng đến nay Cty chưa nhận được hồi âm. Liệu thành phố có thật sự thiếu kinh phí?

Được biết, nếu đầu tư 21 máy phát điện cũng chỉ hết khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng khoản tiền đó vẫn chưa có nên mới xảy ra những sự cố như mới đây tại nhà N2D khu Trung Hòa - Nhân Chính, khi cơ quan chức năng của thành phố cho phép đầu tư một máy phát điện cho Trung tâm giao dịch bất động sản - đơn vị sử dụng tầng 1 của tòa nhà để sử dụng riêng, một số người dân bức xúc đã ngăn không cho lắp đặt chiếc máy phát điện này.

Dân TĐC - đầu tư nhà trẻ cao cấp!



Ngôi trường cao cấp được xây dựng tại khu TĐC -Trung Hòa - Nhân
Chính không phải là ngôi trường dành cho trẻ em các gia đình TĐC.


Ông Nguyễn Mạnh Lân, Bí thư chi bộ khu TĐC Trung Hoà- Nhân Chính ngậm ngùi kể: Tại khu TĐC Trung Hoà Nhân Chính đến nay không có trường tiểu học, không có trạm y tế, không có nơi hội họp, không có chợ... Đặc biệt, theo ông Lân khu TĐC hiện có đến 1000 hộ dân về sinh sống và có khoảng 400 cháu nhỏ trong độ tuổi đến các lớp mầm non, mẫu giáo nhưng phải đi học nhờ tại các quận, phường khác.

Năm 2007 một ngôi trường mầm non với cái tên “ Hoa Trà My” được mọc lên gữa các khu nhà TĐC, nhân dân mừng lắm, nhiều cháu nhỏ phấn khởi vì sẽ được học ngay tại ngôi trường gần nhà. Giữa năm 2007, hay tin nhà trường tuyển sinh, nhiều phụ huynh khấp khởi đến trường hỏi thông tin nhập học.

Nhưng khi về nhà thì mặt ai đều “tái nhợt”- đóng góp của mỗi học sinh khoảng 2,9 triệu đồng/tháng. “Với mức đóng góp như vậy, con nhà khá giả còn phải tính toán, chứ con em các gia đình TĐC làm sao dám mơ đến”- ông Lân nói.

Đại diện Cty Diên Hồng - chủ của ngôi trường Hoa Trà My cho biết, thực hiện kêu gọi xã hội hóa của thành phố Hà Nội, Cty đã đầu tư ngôi trường chất lượng cao tại khu TĐC Trung Hoà - Nhân Chính với mức đầu tư 1 triệu đô la.

Mức học phí mà trường đưa ra là: 1,9 triệu đồng/tháng, cộng với tiền ăn 25.000 đồng/cháu/ngày; tiền học phẩm 100.000đ -150.000đ/tháng. Ngoài ra các cháu có nhu cầu đi lại sẽ được đưa đón bằng ô tô và mức đóng góp từ 500.000 đến 1.000.000đ/tháng.

Trung bình mỗi tháng một cháu phải đóng góp khoảng gần 3 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Lương, Chủ tịch HĐQT Cty Diên Hồng cho biết, mức phí đưa ra như vậy hoàn toàn do Cty chủ động mà không có điều khoản quy định nào từ phía thành phố Hà Nội.

Cũng theo bà Lương, nhà trường cũng tự xây dựng mức học phí cho con em khu TĐC là 1.000.000đ/tháng và 400.000đ tiền ăn/tháng để tổ chức các lớp học riêng. Tuy nhiên, mức học phí này theo các hộ dân TĐC vẫn là quá cao nên nhà trường không tuyển được học sinh thuộc đối tượng này để tổ chức lớp học riêng.

Trong số 140 học sinh theo học tại trường hiện có khoảng 11 cháu sống tại khu TĐC theo học (chưa rõ có phải là con gia đình TĐC hay không và vẫn phải đóng học phí như bình thường).

Ngày 9/4/2008, hệ thống chính trị khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính có đơn gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ: Trường tiểu học đã có trong quy hoạch tại khu TĐC có nhưng chưa được xây dựng; tại khu TĐC chưa có nhà trẻ bình dân cho khoảng 400 cháu dù trong khu TĐC có trường mầm non nhưng giá gửi cao gần 3 triêu đồng/tháng/cháu nên các cháu phải đi học xa...

Các hộ dân kiến nghị thành phố sớm cử người xuống thực địa để xem xét tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân TĐC...

Theo Tiền Phong