Top

Có 1.100 tiêu chuẩn xây dựng, vẫn... nghiêng, sụt, lún!

Cập nhật 05/04/2008 11:00

Trước tình hình hàng loạt công trình xây dựng xảy sự cố làm sụt, lún, sập, nghiêng công trình lân cận thời gian gần đây, Bộ Xây dựng vừa cho biết ngoài hệ thống Qui chuẩn Xây dựng Việt Nam còn "song hành" 1.100 tiêu chuẩn khác - nhưng đối với nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công thì "có cũng... như không"!

Theo Bộ xây dựng, Qui chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành từ năm 1996 gồm các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động xây dựng, như: áp dụng số liệu tự nhiên của Việt Nam (khí hậu, gió bão, động đất…), khảo sát xây dựng, thiết kế kết cấu và nền móng, thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình (cấp điện, chống sét, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy….), thi công và nghiệm thu chất lượng công trình...

Trên cơ sở Qui chuẩn này, cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có thể kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung và công trình đô thị qui mô lớn nói riêng thông qua việc thẩm định thiết kế cơ sở, thanh tra và kiểm tra quá trình thi công xây dựng.

Song hành với hệ thống Qui chuẩn kể trên, Bộ này cho biết hiện còn có hơn 1.100 tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đã được ban hành, nhiều nhất các nước trong khu vực và bao trùm hầu hết các lĩnh vực: kiến trúc, qui hoạch, môi trường, an toàn lao động, vật liệu xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công, kiểm tra chất lượng, nghiệm thu, bảo trì công trình...

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên, các tiêu chuẩn này được biên soạn dựa trên tiêu chuẩn quốc tế (ISO), tiêu chuẩn châu Âu (EU), Nga (ГОСТ, СНиП), Hoa Kỳ (ACI), Anh (BS), Úc (AS), Pháp (AFNOR, DTU), Trung Quốc (GBJ, BJ)… và được sửa đổi, bổ sung thường xuyên cho phù hợp tình hình mới.

Từ năm 2006 đến nay, tại các địa phương trọng điểm, như: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng... đã có hơn 3.000 lượt học viên là cán bộ chủ chốt đang quản lý và các kỹ sư đang tham gia hoạt động xây dựng được tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó có nghiệp vụ quản lý chất lượng nhà cao tầng.

Thế nhưng, gần đây, hàng loạt sự cố, khiếm khuyết trong xây dựng vẫn xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong dư luận, như: tòa nhà Pacific tại Quận 1 (TP.HCM) làm sập đổ trụ sở làm việc Viện khoa học xã hội miền Nam do nguyên nhân thi công tường vây cọc bê tông bị thủng làm trôi tầng đất yếu ở xung quanh; cao ốc Residence tại Quận 1 (TP.HCM) có cọc cừ không đủ độ sâu khiến bùn xung quanh trồi vào móng làm nghiêng chung cư 5 Nguyễn Siêu sát cạnh; thi công phần hầm ngầm tòa nhà B2 (cao 8 tầng) dự án Vĩnh Trung Plaza (tổ 14, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) gây sụt lở đất làm nhiều nhà thấp tầng sát công trình bị nghiêng…

Bộ Xây dựng kết luận: "Tất cả các sự cố đều xảy ra ở các công trình do tư nhân làm chủ đầu tư, chủ yếu khiếm khuyết ở phần ngầm của công trình và có nguyên nhân từ sự buông lỏng trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các qui định pháp luật hiện hành của Chủ đầu tư và các đơn vị, cá nhân tham gia thi công".

Bộ này cho biết, thay vì Nhà nước đầu tư, ngày nay nền kinh tế thị trường đã "mở" cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng nhà cao tầng và công trình đô thị qui mô lớn. Bên cạnh các nhà đầu tư thực hiện khá tốt công việc này, còn không ít nhà thầu thi công xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực; thậm chí chưa có kinh nghiệm thi công tầng hầm nhưng vẫn nhận và được giao thực hiện; biện pháp thi công chưa được thẩm tra, thẩm định kỹ càng từ phía nhà thầu và chủ đầu tư (nhất là thi công các tầng hầm trong điều kiện địa chất phức tạp như TP.HCM)...

Để hoàn thiện hơn nữa hệ thống Qui chuẩn, tiêu chuẩn (kể trên), phục vụ tốt hơn công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng, công trình đô thị qui mô lớn núi riêng, Bộ Xây dựng cho hay vừa kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và qui chuẩn kỹ thuật sao cho không cản trở việc chủ động của các Bộ, ngành biên soạn và ban hành các Qui chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới.

Ngoài ra, Bộ này cũng vừa kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về nhà cao tầng và các công trình đô thị qui mô lớn, đảm bảo chắc chắn hơn nữa yêu cầu của chủ đầu tư, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, cộng đồng. Đặc biệt, Luật đấu thầu cần được chỉnh sửa theo hướng lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, còn giá cả sẽ được thương thảo trên cơ sở đảm bảo chất lượng, lợi ích của nhà thầu và chủ đầu tư.

Theo VietNamNet