Top

“Ẩn số” chuyện xây… chỉ số

Cập nhật 06/04/2012 14:45

Việc xây dựng chỉ số thị trường bất động sản (BĐS) được Bộ Xây dựng khởi động thí điểm tại TP.HCM từ tháng 8/2008. Đến 2010, chỉ số BĐS đã được định hình chi tiết với việc ra đời Thông tư 20/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thí điểm xây dựng và công bố một số chỉ số đánh giá thị trường BĐS.

Ảnh minh họa.

Theo thông tư này, việc đánh giá thị trường BĐS căn cứ trên 2 chỉ số chính. Chỉ số giá giao dịch BĐS là chỉ số phản ánh mức biến động về giá của BĐS thông qua các giao dịch thành công theo thời gian. Chỉ số lượng giao dịch BĐS là chỉ số phản ánh mức độ biến động về số lượng, bao gồm số lượng về diện tích, hoặc BĐS giao dịch thành công theo thời gian. Chỉ số đánh giá thị trường BĐS là yếu tố rất quan trọng để phản ánh chính xác nhịp điệu thị trường, đồng thời từ đó hoạch định hướng phát triển của thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, “chỉ số BĐS đóng vai trò là một yếu tố định lượng về thị trường, ít nhất về góc độ giá cả. Điều quan trọng hơn là tính minh bạch của thị trường, cơ sở đầu vào (số liệu) để tính toán chỉ số này”. Bộ Xây dựng đã lựa chọn 4 địa phương có thị trường BĐS phát triển: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng để tính toán thí điểm về bộ chỉ số này.

Theo đó, các sản phẩm BĐS được lựa chọn xây dựng chỉ số gồm: BĐS để bán, chuyển nhượng, căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, và đất nền, BĐS cho thuê. Các bước để xây dựng chỉ số BĐS như sau: 1. Phân khu vực và lựa chọn BĐS đại diện; 2. Xây dựng dữ liệu gốc; 3. Xây dựng dữ liệu so sánh; 4. Tính toán xác định các chỉ số thị trường BĐS. Theo kế hoạch, chỉ số đánh giá thị trường BĐS được công bố hàng quý và hàng năm, nhưng đã hơn 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực cũng như hạn cuối để các địa phương gửi báo cáo về Bộ Xây dựng về việc xác định chỉ số BĐS năm 2011, vẫn chưa có địa phương nào đưa ra được các chỉ số BĐS.

Thực tế tại các địa phương cho thấy, việc xây dựng chỉ số BĐS hóa ra không đơn giản, bởi việc lấy thông tin thị trường BĐS dựa trên hướng dẫn của Thông tư 20 là khó đạt hiệu quả, cũng như bộc lộ nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Thông tư 20 hướng dẫn lấy số liệu từ Sở Tư pháp, các phòng công chứng, nhưng trên thực tế vì nhiều lý do chủ đầu tư và người dân xác lập hợp đồng có giá trị giao dịch thường rất thấp so với giá thị trường cùng thời điểm. Thêm nữa, qua các kênh như sàn BĐS, thông tin của 1 sàn cho 1 sản phẩm BĐS cụ thể cũng lệch so với các sàn khác.

Khắc phục những hạn chế trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thu thập thông tin qua phiếu khảo sát, vừa đơn giản hơn, phù hợp hơn với khả năng ghi nhận thông tin, cung cấp thông tin của các đối tượng có liên quan. Tuy nhiên, đến nay việc thu thập thông tin vẫn “treo” chờ ý kiến của cơ quan hữu trách.

DiaOcOnline.vn - Theo PLVN