Đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc dựa trên thứ tự ưu tiên cho hệ thống hạ tầng. Ảnh: mô hình tàu cao tốc của Nhật Bản. |
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư dự kiến lên đến gần 60 tỉ USD đang được thảo luận sôi nổi trong cũng như ngoài diễn đàn Quốc hội với những ý kiến trái ngược. Nhằm góp thêm thông tin cho cuộc thảo luận, Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc về một số vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm, như vì sao không có nhiều thông số về dự án, thời gian lập dự án quá gấp gáp…
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc
“Chúng ta phải có tuyến đường này”
* Vì sao trong tờ trình về dự án đường sắt cao tốc cho Chính phủ, ông kiến nghị sẽ khởi công dự án năm 2014, chậm hai năm so với kiến nghị của bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trước Quốc hội?
Đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc dựa trên thứ tự ưu tiên cho hệ thống hạ tầng. Ảnh: mô hình tàu cao tốc của Nhật Bản.
Đó là khi bắt đầu khởi công, còn bên tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói thời điểm 2012 là bắt tay vào công tác thiết kế, chuẩn bị đầu tư. Tức là mất hai năm chuẩn bị để đầu tư. Còn bên Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị xây dựng từ 2014.
* Nhưng các đại biểu cần thêm nhiều thông số về dự án để có thể tự tin khi bấm nút. Vì sao Chính phủ không chuẩn bị kỹ thêm trước khi trình Quốc hội?
Theo Nghị quyết số 6, Quốc hội chỉ thông qua khi dự án được chuẩn bị báo cáo đầu tư, tức báo cáo tiền khả thi thôi, còn báo cáo khả thi còn mất thời gian để chuẩn bị và sau này mới có con số cụ thể. Cần lưu ý, đó là hồ sơ dự án đầu tư toàn tuyến, còn trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ở những giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn, theo như kế hoạch dự kiến trình Quốc hội, chúng ta sẽ khởi công hai tuyến Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang trước. Khi thực hiện hai tuyến đó, Chính phủ sẽ có nghiên cứu kỹ về tính khả thi, hiệu quả… từ đó có báo cáo kịp thời trong quá trình thực hiện. Đối với các công trình trọng điểm quốc gia, Chính phủ đều báo cáo Quốc hội về tiến độ cụ thể.
* Từ kinh nghiệm của ông với những dự án lớn trình Quốc hội gần đây, và từ những thảo luận về dự án đường sắt cao tốc mấy ngày qua, theo ông khả năng Quốc hội bấm nút thông qua là như thế nào?
Đến bây giờ thì tôi chưa dám nói thế nào cả, còn tuỳ vào quyết định của mỗi đại biểu Quốc hội. Nhưng qua thảo luận ở tổ (của tôi) hôm qua thì đa số tán thành chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ trong quá trình thực hiện cần tính toán kỹ và kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh.
* Vì sao dự án lớn như thế mà thời gian tư vấn lập dự án ngắn thế, chỉ khoảng ba tháng?
Thực tế là dự án đã được nghiên cứu khá lâu, nhưng điều chỉnh dự án thì đúng là chỉ trong ba tháng. Thực ra dự án đã được nghiên cứu từ năm 2006, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan phối hợp với nhau để nghiên cứu. Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã phối hợp với JICA và bộ Giao thông Nhật Bản để xem xét xây dựng đề án này. Hiện nay đề án này mới ở mức báo cáo tiền khả thi, tức là báo cáo đầu tư, còn đi vào cụ thể xem xét các thông số cơ bản thì phải qua giai đoạn lập báo cáo khả thi.
* Những nhà tài trợ quốc tế nào sẵn sàng cho vay vốn để thực hiện dự án này?
Trong chuyến đi Nhật Bản vừa rồi, tôi đã làm việc với ba bộ trưởng tài chính, ngoại giao, và giao thông cứu hộ. Cả ba bộ trưởng đều nói chính phủ Nhật Bản sẵn sàng phối hợp với chính phủ VIệt Nam để xem xét khả năng Nhật Bản hỗ trợ dự án này. Họ nói như vậy. Ngoài Nhật Bản, chúng ta sẽ huy động nhiều nguồn vốn để cùng triển khai, trong đó có nguồn vốn tư nhân. Họ cũng khẳng định rằng, kinh nghiệm Nhật Bản trong xây dựng đường sắt cao tốc là không thể dựa vào nguồn vốn ODA và vốn chính phủ, mà phải huy động nguồn vốn tư nhân. Nhật Bản vay Ngân hàng Thế giới từ năm 1955 đến năm 1995 mới trả hết nợ cho tàu cao tốc.
* Trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là nước nghèo, thâm hụt ngân sách cao, ví dụ Chính phủ vừa phải vay khẩn cấp 1,8 tỉ USD để hỗ trợ ngân sách năm 2009, thì đặt Quốc hội xem xét dự án này hiện nay liệu có đúng thời điểm?
Phải nói rằng chúng ta đặt dự án này là đúng thời điểm, chúng ta không còn là nước nghèo mà đã chuyển sang nước có thu nhập trung bình, mặc dù ở mức thấp. Ngân hàng Thế giới đã xác nhận điều đó. Hiện nay chúng ta thu nhập đầu người 1.200 USD. Và tuyến đường sắt này không phải khởi công ngay bây giờ, mà đến 2014. Công trình này chủ yếu được thực hiện trong nửa cuối của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới đây. Trong chiến lược đó, GDP đầu người đến 2020 không phải như bây giờ, mà sẽ lên trên 3.000 USD đầu người. Lúc đó chúng ta phải có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn để phục vụ nhu cầu phát triển. Có nhiều người nói, đường sắt này không phục vụ cho vận tải hàng hoá gì cả. Nhưng cần lưu ý rằng, vận tải hành khách cũng quan trọng, nó giúp phân bố lại dân cư, đồng thời giải phóng cho các tuyến đường bộ đã quá tải, đường sắt quá tải như hiện nay.
* Vậy tuyến đường sắt hiện nay sẽ bỏ đi?
Không, sẽ sử dụng để vận tải hàng hoá và hành khách cự ly gần.
Thưa ông, Quốc hội sắp chuyển giao nhiệm kỳ, Chính phủ cũng vậy. Vì sao không để các khoá sau quyết định đối với dự án rất lớn và dài hạn này?
(cười to) Không phải như vậy, mà chúng ta cần bước chuẩn bị. Chúng ta muốn năm 2014 khởi công, thì ngay năm 2012 chúng ta phải bắt tay chuẩn bị. Muốn làm được điều đó, thì năm 2010, chúng ta phải làm báo cáo khả thi, sau đó còn thẩm định, thiết kế. Thời gian chuẩn bị đòi hỏi như vậy.
* Tóm lại, theo ông, quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng dự án này là như thế nào?
Đứng về tầm chiến lược, chúng ta phải có tuyến đường này. Trong quá trình chuẩn bị, Chính phủ phải xin ý kiến Quốc hội, và tuỳ theo ý kiến của Quốc hội mà có lộ trình triển khai hợp lý. Nhưng chúng ta không “đồng khởi” xây dựng, mà thận trọng làm từng bước trên cơ sở xây dựng từng đoạn có hiệu quả kinh tế, chẳng hạn đoạn TP.HCM - Nha Trang và đoạn Hà Nội - Vinh, sau đó nghiên cứu những đoạn nào có hiệu quả mới tiếp tục xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: