Top

Tổng kết thị trường từ ngày 15.5 – 21.5

Thị trường bất động sản: Vẫn "đau đáu" nguồn vốn

Cập nhật 23/05/2010 10:50

Trong tuần vừa qua, vấn đề nguồn vốn cho thị trường bất động sản đã trở thành tâm điểm, được sự quan tâm, thảo luận của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia. Bên cạnh đó, tình hình nhà đất ở các tỉnh lân cận TP. HCM như Cần Thơ, Long An thời gian qua cũng có những tín hiệu khả quan nhờ vào gió hạ tầng…

 
Nguồn vốn vẫn là vấn đề thị trường bất động sản quan tâm nhất hiện nay. Ảnh: H. Duy

Rào cản vốn nhà đất

Trong các kênh đầu tư hiện nay, bất động sản chiếm nhiều ưu thế. Một phần do những rủi ro lớn từ các thị trường khác nên nhà đầu tư tập trung hơn vào thị trường đất đai. Tuy có lợi thế được chú ý nhiều hơn nhưng bất động sản lại gặp phải rào cản về vốn.

Cuối năm 2009, thị trường bất động sản đã “chùn” xuống một phần do thông tin biến động về tài chính tiền tệ. Ngân hàng thắt chặt lãi suất tín dụng và nguồn vay kéo theo một loạt các dự án nằm trên giấy và đang thi công phải chững lại. Thông tin từ phía ngân hàng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ nhiều dự án cũng như nhu cầu mua bán của khách hàng.

Đến năm 2010, ngân hàng nới lỏng “vòng kim cô” và những quy định xoay quanh vấn đề cho vay lãi suất trung và dài hạn ra đời. Điều này, phần nào giúp nhà đất bớt một phần gánh nặng trong việc vay vốn nhưng vẫn không hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo. Do mức lãi suất đã nới lỏng nhưng vẫn còn khá cao, phổ biến ở mức 15 - 17%

Hiện nay nguồn vốn trung dài hạn chủ yếu cung cấp cho thị trường bất động sản gồm vốn tín dụng trung dài hạn cho các doanh nghiệp và dự án bất động sản. Song nguồn vốn này chịu áp lực bởi các quy định cho vay bất động sản, về cho vay thế chấp và xử lý tài sản thế chấp bằng bất động sản cũng như những hạn chế trong khả năng huy động vốn trung dài hạn của các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính của Việt Nam.

Hơn nữa, trong thị trường bất động sản đang tồn tại 3 nguồn vốn với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Ngoài vốn trung dài hạn của nhà đầu tư lớn và vừa còn có nguồn vốn lớn trong dân, những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong giai đoạn khủng hoảng vì bị siết chặt lãi suất, nguồn vốn nhỏ lẻ này đã lấn át cả nguồn vốn trung và giải hạn và góp phần tạo nhiều rủi ro. Một phần do không ai kiểm soát được dòng tiền này cũng như nguồn gốc thực sự của chúng. Có thể, chúng là nguồn cho vay nóng ở bên ngoài, nguồn nặng lãi… không đảm bảo tính ổn định và lâu dài vốn có của bất động sản.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, các chuyên gia kinh tế cũng như các doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra các đề xuất để tạo sự liên thông trong thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu bất động sản, thời điểm hình thành quỹ phát triển bất động sản, tạo sự liên kết để thị trường tài chính thúc đẩy thị trường phát triển...

Tăng giảm nhờ gió hạ tầng

Những rào cản về vốn là vấn đề chung của thị trường bất động sản, cần sự hợp lực của nhà đầu tư, nhà quản lý… để góp phần giảm bớt khó khăn. Bên cạnh vấn đề vốn, trong tuần qua việc bất động sản Cần Thơ tăng giá, nhà đất Long An thể hiện tiềm năng được đưa ra luận bàn.

Cần Thơ, một trong những thành phố lớn của cả nước với những luồng gió hạ tầng mới đã không ngừng góp phần tạo “sóng” cho thị trường nhà đất ở đây. Theo báo cáo thống kê của Công ty Savills Việt Nam về thị trường nhà đất Cần Thơ thời điểm tháng 1/2010, thị trường sơ cấp có tổng số 8 dự án với 9.191 nền, có 6 dự án với 932 căn biệt thự/ nhà phố chủ yếu tập trung tại ba quận chính gồm Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy. Thị trường các dự án đã bán hết 100% có 10 dự án đất nền với khoảng 7.000 nền, 3 dự án nhà phố với 710 căn và 1 dự án căn hộ với 216 căn. Giá sơ cấp trung bình của đất nền tại đây ghi nhận ở mức 244 USD/ m2, tăng nhẹ khoảng 5% so với thời điểm tháng 11/ 2009.

Đến thời điểm hiện nay, sau khi ngân hàng “mở” hơn về lãi suất cũng như việc khánh thành nhà đất bên cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á đã tạo đà thúc đẩy nhà đất Cần Thơ. Điển hình là sau khi có cầu, giá đất ở đây tăng nhanh 7-10 lần, một công ruộng được bán với giá 220 triệu đồng. Ở hai đầu cầu, tức bên này là Cần Thơ, phía kia là tỉnh Vĩnh Long, bắt đầu nóng chuyện mua bán đất. Trước đây mỗi công đất ruộng giá chỉ 21 triệu đồng, đất vườn giá cao nhất chỉ 45 triệu đồng một công thì nay, giá này đã tăng cả chục lần, thậm chí một công đất ruộng có thể được bán với giá 220 triệu đồng. Giao dịch trở nên sôi động.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường địa ốc tại Cần Thơ đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng giao thông, nguồn vốn từ ngân hàng và nhu cầu người dân đang tạo ra nhiều yếu tố thuận lợi ủng hộ cho thị trường.

Long An, một tỉnh giáp với TP.HCM, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, định hướng sẽ trở thành khu đô thị (KĐT) mở, đô thị vệ tinh của TP.HCM, cũng được đánh giá là có nhiều tiềm năng bất động sản.

Cơ sở hạ tầng của Long An phát triển tốt, giao thông thuận lợi. Sông Vàm Cỏ hướng ra biển Đông và đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương nối liền TP.HCM với Tân An (Long An) và Mỹ Tho (Tiền Giang) thông xe từ tháng 2.2010... Những thuận lợi hạ tầng này đã và đang góp phần giúp nhà đầu tư chú ý nhiều đến nhà đất ở đây

Tuấn Kiệt - DiaOcOnline.vn