Tại TPHCM, thị trường địa ốc đóng băng kéo dài đã dẫn đến tình trạng đình trệ việc giải tỏa các chung cư cũ sắp sập để xây dựng mới. Các chung cư đã xuống cấp không được duy tu, càng nhanh hư hỏng hơn. Những cư dân chưa di dời đang từng ngày đối mặt với hiểm họa.
Kết cấu xây dựng bị phá vỡ nên nguy cơ sụp đổ chung cư 727 Trần Hưng Đạo rất dễ xảy ra. Ảnh: THANH HẢI |
Chung cư cũ hoang tàn
Trước đây, Sở Xây dựng TPHCM đã khảo sát lập danh sách cảnh báo những chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Sau đó, một số chung cư cũ đã được giao cho doanh nghiệp bất động sản đền bù, tháo dỡ và sử dụng mặt bằng để xây dựng chung cư cao ốc. Nhưng sau đó việc đền bù, giải tỏa quá chậm, kéo dài nhiều năm, rồi bỏ dở dang, đã làm cho các chung cư sắp sập trở nên hoang tàn, nguy hiểm hơn.
Do chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) được xây dựng từ năm 1966, với quy mô gần 600 căn hộ, đã quá xuống cấp, năm 2008 quận 5 tiến hành giải tỏa. Nhưng đã 6 năm trôi qua, công tác giải tỏa di dời vẫn chưa dứt điểm. Những gia đình thỏa thuận nhận đền bù, rời khỏi chung cư đã tháo cửa, đục tường lấy các vật liệu xây dựng mang theo, để lại khung cảnh tan hoang, kết cấu xây dựng bị phá vỡ nên nguy cơ sụp đổ càng dễ xảy ra. Trong khi đó vẫn còn nhiều hộ chưa di dời, vẫn tiếp tục sống ở đây. Cũng nằm trong diện cảnh báo nguy cơ sập đổ, khu chung cư cũ Cô Bắc - Cô Giang (quận 1) gồm 4 khối nhà, qua nhiều năm sử dụng đã bị xuống cấp nặng. Nhiều cột trụ bê tông đã bị bật cốt thép ra, trần và sàn nhà nứt nẻ, hư hỏng, đe dọa sinh mạng của cư dân nơi đây. Để tránh thảm họa xảy ra, năm 2007 khu chung cư này được giao cho Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt để giải tỏa và xây dựng công trình mới. 7 năm trôi qua, công trình ngày mỗi xuống cấp mà việc giải tỏa vẫn chưa xong. Hiện còn khoảng 20% số hộ ở lại nơi này. Hàng trăm căn hộ nhiều năm không có người ở, không được gia cố sửa chữa đã làm cho khối nhà nhanh xuống cấp hơn. Điều cảnh báo “sập bất cứ lúc nào” đang đến gần. Cũng trong tình cảnh hoang tàn, chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) được Công ty cổ phần Đức Khải tiến hành đền bù giải tỏa từ năm 2010. Đến nay, sau 4 năm, mới có 60 hộ đồng ý rời chung cư ra đi, còn 100 hộ vẫn đang ở lại. Các chung cư khác, những hộ đã ra đi không chỉ tháo cửa mà còn đục tường để lấy đinh vít, bản lề. Việc đập dỡ thiếu kiểm soát, không đúng kỹ thuật đã để lại bộ mặt chung cư nham nhở. Chất lượng chung cư vì thế càng xuống cấp, hư hỏng nhanh hơn.
Chung cư cũ sắp sập cần phải tháo dỡ ngay và đưa người dân ra khỏi nơi ở nguy hiểm. Thực tế lại không như mong muốn, thời gian đền bù, tháo dỡ chung cư cũ đã kéo dài 5 - 7 năm. Theo tiến độ trì trệ như hiện nay thì chưa biết ngày di dời dân xong.
Đi không được, ở không xong
Chung cư cũ đã bàn giao cho chủ đầu tư để đền bù, giải tỏa, cũng có nghĩa là đơn vị quản lý cũ hết trách nhiệm. Thế nhưng, trong các chung cư vô chủ đó vẫn còn cả trăm hộ dân đang phải sống trong tình cảnh đi không được mà ở cũng không xong. Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên (ở căn hộ 40 C chung cư 350 Hoàng Văn Thụ) cho biết: “Nhiều hộ chưa di dời vẫn bám trụ lại chung cư, một số do không đồng ý với giá bồi thường quá thấp, số còn lại do số tiền đền bù quá ít và thuộc diện không được bố trí tái định cư nên ở lại được ngày nào hay ngày đó. Chính quyền địa phương chỉ lo vận động giải tỏa, di dời, chứ không còn quan tâm việc ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho cư dân ở đây nữa. Ban quản trị chung cư không còn, mọi người phải tự tổ chức giữ trật tự, vệ sinh, đùm bọc nhau để sống”. Bà Nguyễn Chân Chính (ở căn hộ 32A) cho biết thêm, hơn 1 năm trở lại đây chủ đầu tư không còn quan tâm việc thực hiện đền bù cho người dân nữa. 60 hộ đã di dời để lại các căn hộ bỏ hoang, trở thành nơi chuột, gián sinh sôi. Tổ trưởng dân phố cũng chưa biết đến lúc nào chủ đầu tư mới đền bù xong cho người dân. Cư dân ở đây đã phải kiến nghị quận lập lại ban quản trị chung cư để có người quản lý, không để tình trạng vô chủ kéo dài.
Người dân ở chung cư Cô Bắc - Cô Giang cũng đang sống trong nỗi lo âu thấp thỏm. Gần 200 hộ còn ở lại vì chưa đồng ý với mức đền bù do Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt đưa ra. Ngoài nỗi lo chung cư sập đổ nguy hiểm đến tính mạng là nỗi ám ảnh của khu chung cư vắng dần bóng người. Những căn hộ không có người ở dễ trở thành điểm ẩn náu của tội phạm, nơi phát sinh ô nhiễm môi trường.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: