Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản tăng mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam cả cấp mới và tăng vốn là 6,85 tỷ USD.
Trong đó, lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%.
Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%.
Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng thông tin, tính đến ngày 31/12/2013 đã có 407 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được cấp phép với tổng vốn đầu tư 49,03 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Số thu ngân sách từ tiền thuê đất của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2001-2011 ước đạt 4.700 tỷ đồng, trong đó năm 2011 đạt cao nhất với 1.047 tỷ đồng, năm 2012-2013 ước trung bình mỗi năm thu khoảng 1.000 tỷ đồng từ tiền thuê đất của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản tăng mạnh. |
Trong tờ trình của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cao cấp như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp và hạ tầng các khu công nghiệp cần vốn đầu tư lớn cũng như các khu đô thị lớn mang tính đặc thù.
Hạn chế giao các dự án nhỏ lẻ mà khả năng đầu tư trong nước có thể thực hiện; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cam kết đưa vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và tiến độ thực hiện dự án.
Trung Quốc vẫn tăng đầu tư vào Việt Nam
Sau một thời gian dài trầm lắng, nhiều Tập đoàn đầu tư bất động sản đến từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông vẫn tiếp tục hoàn thành các dự án bất động sản đang triển khai dang dở, hoặc tìm kiếm dự án đầu tư mới ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc và khu vực phía Nam.
Mới đây nhất, tỉnh Quảng Ninh vừa công bố Tập đoàn Nakheel (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE) sẽ xúc tiến việc triển khai đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star ngay trong tháng 6 này.
Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc cũng tăng mạnh, báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong lĩnh vực bất động sản, gấp 7 lần so với 2012.
Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới từng nêu quan điểm, việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào bất động sản giữa lúc bất động sản đang thua lỗ, Việt Nam nên hoan nghênh vì sự tham gia của họ sẽ mang theo dòng vốn, còn việc lũng đoạn hay không lại do luật và sự giám sát của luật.
"Họ cũng là nhà đầu tư, họ tìm kiếm những con đường tốt nhất để có được lợi nhuận nhanh nhất, cao nhất đấy là nguyên tắc, không thể đổ lỗi cho họ được.
Trung Quốc đầu tư BĐS: Việt Nam cần tỉnh táo!
Luật của chúng ta không rõ ràng nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi họ vào đây, họ mở công ty, họ chỉ trình ra mấy chục triệu, trăm triệu USD trong khi dự án là hàng tỷ USD sau đó họ vay vốn ở đất nước mình, làm dự án bất động sản lúc mà đất đang sốt ai cũng tranh giành mua, họ bán để kiếm tiền", Ths Bùi Ngọc Sơn nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Alan Phan nêu quan điểm, kinh tế cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi sự liên thông và tự do cho dòng tiền đầu tư vì vậy chuyện “ngăn sông cấm chợ” như thời bao cấp chỉ đem lại những hệ quả ngược với kế hoạch.
"Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ nền công nghiệp Việt Nam qua nguyên liệu, thành phẩm và thu về hơn 20 tỷ USD mỗi năm - số nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam, nên việc thâu tóm hay lũng đoạn thị trường bất động sản hoàn toàn không cần thiết", TS Alan Phan nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: