Top

Chung cư tái định cư, vừa ở vừa… sửa

Cập nhật 23/05/2008 17:00

80 hộ dân đang sinh sống tại cụm chung cư tái định cư trên đường Nguyễn Duy Trinh, địa bàn phường Bình Trưng Đông, quận 2, đang phải khổ sở với chất lượng của cả cụm chung cư

Được xây dựng vào những năm cuối thập niên 90, chung cư tái định cư này là nơi cư trú của dân tái định cư từ dự án đường Đông - Tây. Đa phần là dân quận 2 qua đây. Trung tuần tháng 5.2008, phóng viên SGTT đến đây để ghi nhận những gì bạn đọc, là cư dân ở đây phản ánh.

Chung cư… rêu

Ngay chân cầu thang lô K (ký hiệu lô trước đây) có hiện tượng lún bể theo chiều ngang cầu thang. Nhìn ngược lên sàn một, nước ngấm lâu ngày tạo mảng rêu xanh. Tại hầu hết giếng trời của các block nhà, được “trang trí” bởi những mảng tường bong tróc sơn, xanh rêu, sần sùi do nước ngấm. Phần tường ven chân cầu thang lô nào cũng ngấm nước ố vàng.

Chủ nhà 001, lô N than vãn: “Mặc dù thường xuyên sửa chữa, nhưng không thể nào chấm dứt được hiện tượng này… khổ nhất là nhà mình hư thì phải chạy qua nhà hàng xóm sửa, gặp chủ nhà dễ, thường xuyên ở nhà còn đỡ, lỡ gặp người khó chịu coi như bó tay, chịu chết vì không thể sửa được…”.



Hộp chữa lửa chỏng chơ không ai sửa.

Nhà ông ở tầng trệt, mỗi lần bị ngấm nước phải lên nhà trên nhờ coi lại giúp hệ thống thoát nước. Là một trong những người đầu tiên về đây cư trú, tính đến nay đã năm năm, trong khoảng thời gian đó, suốt ngày ông phải đi sửa chữa hệ thống thoát nước. Một thanh niên sống tại lô K chán ngán: “Thời hạn năm năm bảo dưỡng hết rồi, bây giờ muốn sửa phải có tiền, cứ một lần mướn bơm thông cống hết 100.000 đồng, dân lao động đâu phải ai cũng có tiền làm hoài…”.

Tường - nền đều… mềm

Dì Ba, nhà 212 lô N, lắc đầu: “Nền nhà bây giờ mỗi lần đi mạnh có cảm giác như bước trên bọc nước, lùm bùm dưới chân thấy ớn…”. Gia đình dì hiện nay không ai dám bước mạnh trên nền nhà vì sợ cảm giác bồng bềnh do những chỗ bọng bên dưới mang lại.

Hầu hết những cư dân tại đây sau khi nhận nhà, việc đầu tiên là phải thay nền. Một nhân viên giữ xe lô C, kể: “Nhiều nhà sau khi lột gạch nền lên tá hoả, lớp hồ bên dưới có đến tám phần là cát, xi măng chiếm khoảng hai phần, có người tiết kiệm sàng lại lớp hồ này, trộn thêm xi măng vào để lót lại nền…”. Ngay trước lô N, hiện có một đống xà bần lớn do người dân sửa nhà tạo nên.

Nước ngấm lâu ngày không chỉ làm mất mỹ quan, mà còn khiến lớp hồ bảo vệ bên ngoài trở nên “mềm mại”. “Nói không ai tin, nếu lấy cây đũa tre, dùi một lúc cũng có thể tạo được một lỗ trên tường. Tường bình thường trong nhà còn vậy nói chi đến lớp hồ bị ngấm nước lâu ngày…”. Hùng, một thanh niên tại lô K vừa nói vừa cầm đũa dùi một lỗ trên tường cho phóng viên xem.

Cụm chung cư được xây dựng năm 1998, tuy nhiên nó chỉ mới được đưa vào sử dụng năm năm trở lại đây. Thời gian bảo hành đã hết, chất lượng thấp, nên mặc dù được sửa chữa nhiều lần vẫn không thể cải tạo được chất lượng. Chỉ tội cho dân, đa phần là lao động nên bây giờ có xuống cấp cũng đành chịu, không dám kêu vì chẳng có tiền để khắc phục.

Ông Hồ Trọng Thảo, Đội trưởng đội quản lý nhà, Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2



Nhà có góc tường ẩm ướt, rêu bám
là chuyện phổ biến ở chung cư này.

- Cụm chung cư này do công ty Phát triển kinh doanh nhà thành phố là chủ đầu tư dự án. Dự án được xây dựng vào khoảng năm 1998. Đến năm 2002, bằng quyết định xác lập sở hữu chung cư Bình Trưng, UBND thành phố đã giao cho công ty Quản lý và phát triển nhà quận 2 quản lý và bố trí sử dụng 488 căn hộ.

- Từ khi bàn giao đến nay, đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành sửa chữa ít nhất là ba lần, nhưng vẫn không kết thúc được tình trạng thấm dột. Chính điều này khiến công ty không thể quyết toán cho công trình này. Cuối năm 2007, trong cuộc họp do sở Xây dựng chủ trì, đã thống nhất quan điểm chủ đầu tư sẽ tổ chức sửa chữa một lần cuối, sử dụng nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, hiện đang tiến hành sửa chữa, đến hôm nay đã hoàn tất sửa chữa cho khoảng 20 căn hộ. Việc nghiệm thu sẽ có ý kiến các hộ dân tại chung cư. Sau đó, công ty sẽ tiếp nhận chính thức và quản lý



Theo Sài Gòn Tiếp Thị