Chiều 8-1, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý trật tự xây dựng (QLTTXD). Sau hơn 1 năm áp dụng thí điểm mô hình thanh tra xây dựng (TTXD) quận, huyện, phường, xã, tỷ lệ công trình xây dựng có phép trên địa bàn Hà Nội (cũ) đã đạt con số ấn tượng 92%.
Tuy nhiên, trên địa bàn mới sáp nhập về Hà Nội, tỷ lệ công trình có phép rất thấp; tình trạng xây dựng trái phép, không phép phổ biến. Điều đó cho thấy, công tác QLTTXD trên địa bàn TP vẫn là việc nóng.
Trách nhiệm rõ ràng, chế tài cụ thể
Sau nhiều năm Hà Nội tìm tòi nhiều mô hình tổ chức khác nhau (thậm chí có lúc chuyển giao cho cả công an) thì tới nay có thể khẳng định những hiệu quả bước đầu mà việc tổ chức thí điểm TTXD quận, huyện, phường, xã mang lại.
Cụ thể, từ chỗ tỷ lệ công trình xây dựng có phép trong những năm trước chỉ chiếm 30%-40% thì đến hết năm 2008 đã tăng lên 92%. Có thể nói Quyết định 89/2007/QĐ-TTg (ngày 18-6-2007) của Thủ tướng Chính phủ (tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội kiện toàn, củng cố tổ chức TTXD quận, huyện và hình thành tổ chức TTXD phường, xã) đã làm rõ trách nhiệm của các cấp, nhất là chính quyền cơ sở; đồng thời đề ra được quy trình xử lý cụ thể.
Khi các cấp khó đùn đẩy và né tránh trách nhiệm; khi công trình không phép, trái phép bị đình chỉ đã có chế tài xử lý cưỡng chế rõ ràng, thì đương nhiên tâm lý "cứ xây rồi chịu phạt tồn tại" được xóa bỏ. Thay vào đó, người dân đã dần nâng cao được ý thức tuân thủ kỷ cương, luật pháp trong lĩnh vực xây dựng khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó phải ghi nhận những cách làm sáng tạo tại một số quận, huyện.Ví dụ quận Long Biên đã có sáng kiến huy động cả đội ngũ tổ trưởng dân phố tham gia công tác QLTTXD. Không chỉ là "tai, mắt" của chính quyền, các tổ trưởng dân phố còn là người hướng dẫn thủ tục cấp phép xây dựng.
Thay vì phải đến cơ quan quản lý, người dân chỉ cần đến gặp tổ trưởng dân phố là có thể biết cần những thủ tục gì, điều kiện như thế nào, để có giấy phép. Chính vì vậy, mặc dù là quận đang đô thị hóa nhanh, nhưng công tác QLTTXD ở đây được đánh giá là nền nếp, hiệu quả, không có vụ việc nổi cộm.
Tồn tại tình trạng "đá bóng" lên trên
Tuy nhiên, không phải đã có mô hình tốt thì mọi nơi đều vận hành suôn sẻ. Công trình xây dựng sai phép số 59 phố Võ Văn Dũng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa là ví dụ. Được TTXD phường phát hiện từ tháng 9-2008, UBND phường ra quyết định đình chỉ, cắt điện, nước, cưỡng chế... UBND quận ra quyết định đình chỉ giấy phép xây dựng, nhưng đến nay chủ công trình đã hoàn thiện gần xong.
Trên địa bàn phường này, còn một công trình vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng và hành lang lưới điện tại 170 Hào Nam, mà UBND phường cũng chỉ xử lý trên văn bản, chưa làm tròn trách nhiệm, UBND quận phải ra quyết định cưỡng chế.
Ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết, trong quá trình triển khai QLTTXD, hiện tượng đùn đẩy bằng các văn bản báo cáo, xin ý kiến cấp trên là có. Theo ông Vinh, hiện nay, việc phối hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước buộc chủ công trình vi phạm phải đình chỉ thi công tuyệt đối, có nơi, có lúc lỏng lẻo. Ông Trần Khắc Hạ, Chánh TTXD quận Đống Đa cho biết, đích thân ông đi kiểm tra công trình bị đình chỉ vẫn thấy điện sáng, nước chảy và chủ công trình đang gấp rút hoàn thiện...
Thừa nhận tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ nêu hạn chế: việc xử lý vi phạm QLTTXD hiện nay được thực hiện trong điều kiện tồn tại 3 văn bản quy phạm cùng có hiệu lực thi hành với hình thức và mức độ xử lý chưa thống nhất.
Vì vậy để tránh việc vận dụng tùy tiện và tranh luận pháp lý khi giải quyết khiếu, nại tố cáo liên quan đến xử lý công trình vi phạm, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền và trách nhiệm tại Quyết định 89/2007/QĐ-TTg.
Những nội dung không liên quan, không được quy định trong Quyết định 89/2007/QĐ-TTg thì mới thực hiện theo quy định khác. Tuy nhiên một số phường, xã chưa thực hiện đúng quy trình trên, vẫn còn tình trạng lập biên bản vi phạm nhiều lần mà không xử lý. Công trình vi phạm có khiếu kiện thì không tập trung cho việc xử lý mà chú trọng hòa giải khiếu kiện, để công trình đưa vào sử dụng kể cả khi không xin phép xây dựng.
Nhanh chóng triển khai mô hình mới trên toàn địa bàn Hà Nội
Đại diện cho địa phương mới hợp nhất về Hà Nội, ông Đàm Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức tỏ ra bức xúc: Huyện không có lực lượng TTXD, công tác QLTTXD trên địa bàn được giao cho Phòng Công thương, với 10 người.
Thêm vào đó, các điểm dân cư là nông thôn, không có quy hoạch nên từ trước đến nay người dân thích xây là xây, không xin phép và cũng không có cơ sở để cấp phép xây dựng nếu người dân có đến xin. Vì vậy, cả năm 2008, huyện chỉ cấp được 32 giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, con số 32 giấy phép vẫn là cao so với các huyện khác. Trên địa bàn mới hợp nhất về Hà Nội (trừ TP Hà Đông và Sơn Tây), huyện Đan Phượng cả năm 2008 chỉ cấp 15 giấy phép xây dựng, Ba Vì cấp được 14, Thạch Thất 6, Chương Mỹ, Ứng Hòa mỗi huyện 3, Mê Linh và Quốc Oai mỗi huyện 2 ... Còn Phú Xuyên không được giấy phép nào.
Thậm chí, đại diện của UBND TP Hà Đông cho hay, việc xây dựng trái phép, không phép diễn ra phổ biến ở các xã. Người dân chưa có thói quen xin phép xây dựng, trong khi lực lượng TTXD chưa có, mỗi phường, xã chỉ có Đội kiểm tra xây dựng từ 3-4 người, không có chuyên môn, nên việc kiểm tra, xử lý thiếu hiệu quả.
Đại diện chính quyền TP Hà Đông kiến nghị, UBND TP Hà Nội sớm chuyển giao Đội TTXD của Sở Xây dựng Hà Tây (cũ) TP Hà Đông, đồng thời cho thành lập TTXD phường, xã để công tác QLTTXD hiệu quả hơn.
Từ thực tiễn, UBND TP Hà Nội vừa có chỉ thị yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, TP Hà Đông, Sơn Tây và các phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc cấp phép xây dựng. Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thành đề án thành lập TTXD quận, huyện, phường, xã trên địa bàn mới hợp nhất; tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung giấy phép xây dựng đã cấp...
UBND phường xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước TP về kiểm tra điều kiện khởi công xây dựng, giám sát chủ đầu tư, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng xây dựng sai phép, không phép, trái phép.
Sở Xây dựng và các quận, huyện đã cấp là 8.230 giấy phép xây dựng, với tổng diện tích sàn 3,4 triệu m2. Trong khi đó, các quận, huyện Hà Nội cũ kiểm tra 10.935 công trình, lập biên bản vi phạm 3.398 công trình, phạt tiền 379 công trình, cảnh cáo 174 công trình và cưỡng chế 1.890 công trình. Thành phố Hà Đông và Sơn Tây lập biên bản 302 công trình vi phạm, phạt tiền 54 công trình, cảnh cáo 67 công trình, cưỡng chế 80 công trình.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: