Top

Chủ đầu tư chạy tìm đối tác

Cập nhật 07/05/2008 08:00

Không chủ đầu tư nào trực tiếp thừa nhận, nhưng rõ ràng động thái "bán quyền thực hiện dự án" ồ ạt tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cho thấy đây là thời điểm khó khăn cho những chủ đầu tư muốn thực hiện dự án bằng vốn của người khác.

Các cuộc rao bán cả sàn chung cư 302 Cầu Giấy, 88 Láng Hạ... với giá gốc hoặc chênh lệch "cực thấp" đang xuất hiện ngày càng nhiều. Anh Thành, một nhân viên ngân hàng mới đây đã mừng quýnh khi tìm được người chịu nộp 40% tiền mua nền biệt thự tại khu đô thị mới Quốc Oai (Hà Tây), "quyền mua" mà 1 năm trước đây anh phải vất vả lắm mới có được. "Đến hạn chủ đầu tư gọi ký hợp đồng mà vẫn chẳng tìm được khách mua như dự kiến. Bỏ thì ngượng mà tiền thì không có, kiếm được người bạn chịu nộp tiền mừng quá", anh Thành nói. Thậm chí, hiện tại có những trung tâm môi giới bất động sản (BĐS) còn rao bán kiểu như "giảm 10% giá gốc đất nền biệt thự khu đô thị mới tại Hà Đông, Hà Tây" (?).

Nhưng không chỉ các nhà đầu tư thứ cấp "tháo chạy" vì thiếu vốn và thị trường trầm lắng mà hiện rất nhiều chủ đầu tư làm dự án với kỳ vọng "lấy mỡ nó rán nó" hồi 1 - 2 năm trước cũng đang khóc dở tìm kiếm đối tác. Nhưng điều này cũng không dễ, nhất là vào thời điểm hiện nay.

Một dự án chung cư 38 tầng, vị trí rất đẹp trên đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm, Hà Nội) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đang được chủ đầu tư rao bán với giá 19 triệu đồng/m2. "Đây là mức giá chỉ đủ cho chi phí làm dự án và giải phóng mặt bằng. Nhưng chúng tôi vẫn phải bán, cùng lắm là giữ một phần nhỏ vốn trong liên doanh nếu có chủ đầu tư mua lại", đại diện chủ đầu tư phân trần. Một dự án khác xây dựng văn phòng cho thuê, diện tích hơn 4.000m2 khu vực đường Phạm Hùng (Từ Liêm) vốn được giao cho một tổng công ty nhà nước cũng đang được rao tìm chủ đầu tư mới.

Tại TP Hà Đông (Hà Tây) giới kinh doanh BĐS cũng "choáng" vì một chủ đầu tư đang tìm đối tác thực hiện dự án khu công nghiệp diện tích hơn 50 ha, đất sạch, giá 640.000 đồng/m2. Nhưng những người am hiểu lĩnh vực này nhận định, đây là mức giá "không khả thi", nhất là vào thời điểm này, bởi tại một khu công nghiệp khác cũng trong khu vực, giá chuyển nhượng cũng chỉ có 400.000 đồng, đã bao gồm hạ tầng.

Theo một quan chức Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội, xu hướng chuyển nhượng dự án sẽ còn phổ biến khi mà một mặt ngân hàng siết chặt nguồn vốn cho BĐS, mặt khác thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp lành mạnh hóa thị trường BĐS, chính quyền các địa phương được lệnh phải kiểm tra, rà soát lại danh mục, tiến độ thực hiện đối với tất cả các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới trên địa bàn; thực hiện thu hồi đất đối với các chủ đầu tư dự án đã giao đất hoặc cho thuê đất nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ theo quy định của pháp luật về đất đai. Như vậy, chính quyền các địa phương sẽ phải kiểm tra rất gắt gao tiến độ các dự án.

Hiện tại, Thanh tra Chính phủ cũng đang tiến hành hàng loạt thanh tra đối với các dự án tại khu vực huyện Từ Liêm, khu vực phát triển đô thị "hot" nhất Hà Nội. Một trong những nội dung thanh tra sẽ là trình tự, thủ tục quy trình thực hiện dự án, đương nhiên như vậy sẽ không tránh khỏi bị "soi" về tiến độ. Tìm kiếm đối tác đầu tư, thậm chí chia sẻ phần lớn lợi nhuận còn hơn là "không có gì", nếu đen đủi còn bị thu hồi dự án là tâm lý của một số chủ đầu tư hiện nay.

Theo Thanh Niên