Top

Mánh khóe độc chiêu qua công chứng: Phần 3: Ủy quyền, hứa bán phải kèm điều kiện

Cập nhật 06/05/2008 15:00

Phải làm cam kết về việc giao tiền. Nếu người ủy quyền chẳng may chết đi thì hợp đồng ủy quyền sẽ vô hiệu.

Nhiều công chứng viên tại TP.HCM cho biết họ rất e ngại khi gặp các dạng hợp đồng biến tướng từ vay tiền thành đặt cọc, mua bán thành ủy quyền. Dù được các công chứng viên giải thích về hậu quả phát sinh trong các hợp đồng đó nhưng không ít đương sự vẫn nhắm mắt làm ngơ để rồi phải gánh chịu thiệt hại. Vậy làm sao để tránh bị thiệt hại nếu lỡ ký các hợp đồng biến tường đó?

Công chứng viên không thể can thiệp

Theo ông Phan Văn Cheo, Trưởng phòng Công chứng số 1, TP.HCM, Luật Công chứng quy định rõ dạng nào cần làm hợp đồng mua bán, dạng nào thì ủy quyền. Nhưng thực tế các loại hợp đồng biến tướng (hợp đồng giả cách) lại rất phổ biến. “Tôi thường gặp dạng hợp đồng bán xe được biến tướng thành hợp đồng ủy quyền bán xe. Khi đó, tôi đều giải thích những rủi ro mà chủ xe có thể vướng vào. Chẳng hạn, khi người được ủy quyền gây tai nạn thì chủ xe phải liên đới bồi thường. Kết quả có người hiểu thì chịu làm hợp đồng mua bán, còn người nào không đồng ý thì tôi vẫn phải chứng nhận hợp đồng ủy quyền bán xe” - ông Cheo nói.

Ông Cheo kể có lần ông được yêu cầu công chứng hồ sơ thế chấp nhà của một bà cụ cho một cặp vợ chồng nọ. Lúc đầu bà cụ nói là thế chấp, ông hỏi vậy sao không làm hợp đồng thế chấp mà lại làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà vì như thế bà cụ sẽ dễ mất cả nhà. Bà cụ nghe xong đi về, đầu giờ chiều bà cụ lại quay lại gặp ông nói rằng bà nghèo quá nên quyết định bán nhà luôn. “Theo kinh nghiệm của tôi, trường hợp bà cụ là từ mượn nợ được biến hóa thành hợp đồng mua bán nhà” - ông Cheo khẳng định.

Tránh “cầm đằng lưỡi”

Công chứng viên Hoàng Xuân Ngụ thừa nhận hợp đồng ủy quyền biến tướng chính là con dao hai lưỡi, phần thiệt nghiêng về phía người nhận ủy quyền. Nếu người ủy quyền chẳng may chết đi thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu. Hoặc nếu người ủy quyền không thực hiện việc ủy quyền nữa thì người nhận ủy quyền có khi mất trắng tài sản.

Ông Ngụ nói: “Các hợp đồng ủy quyền của giới kinh doanh xe ôtô rất nguy hiểm. Đừng vì né được chút tiền thuế mà có khi mất cả tài sản từ vài trăm triệu đồng trở lên. Tôi thường hướng dẫn khách hàng khi làm hợp đồng đặt cọc hay hứa bán, hai bên nên làm thêm một loại giấy cam kết việc giao tiền, giúp hai bên có “bửu bối” làm chứng cứ trước tòa nếu phát sinh tranh chấp.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7 (TP.HCM), cho biết Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về “hứa thưởng và thi có giải” chứ không hề thấy dạng hợp đồng hứa bán. Hầu hết các công chứng viên e ngại khi ký các hợp đồng hứa bán vì dễ bị đương sự khiếu nại. Nhiều hợp đồng hứa bán chỉ nêu lời hứa mà không có sự ràng buộc nghĩa vụ của các bên, do đó nếu bên hứa bán đổi ý thì bên mua không thể kiện tụng đòi bồi thường được.

Theo Pháp Luật TP.HCM